Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ năm, 08/09/2022 21:09
TMO - Việc đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông thông minh đối với mạng lưới cao tốc tạo nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2022-2030. Một trong các mục tiêu lớn đặt ra là 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (ITS-Intelligent Transport System).
Theo đó, cao tốc Bắc Nam sẽ triển khai giao thông thông minh trên phân đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài 49,3km, nằm ở địa phận 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây là tuyến đường đầu tiên thuộc cao tốc Bắc Nam ký hợp đồng triển khai hệ thống giao thông thông minh. Hệ thống giao thông thông minh trên quãng đường này sẽ được triển khai bởi Tập đoàn Công nghệ thông tin-viễn thông Elcom.
Phân đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là tuyến đường đầu tiên thuộc cao tốc Bắc Nam triển khai hệ thống giao thông thông minh. Ảnh: BTP
Dự án được triển khai hệ thống ITS toàn diện gồm cả phần trên tuyến và phần hầm với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng bao gồm tiến hành toàn bộ hoạt động như: Khảo sát, thiết kế thi công; cung cấp lắp đặt thiết bị, tích hợp phần mềm và đào tạo, chuyển giao công nghệ từ trung tâm quản lý điều hành, camera giám sát giao thông, phát hiện xe, biển báo điện tử, radio, tổng đài hay hệ thống truyền dẫn, cấp nguồn điện…
Thông tin từ Vụ Khoa học Công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc hiện nay hoạt động độc lập, sử dụng các phần mềm riêng để thực hiện giám sát thủ công, chưa đồng bộ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giao tiếp giữa các tuyến đường với nhau và cơ quan quản lý Nhà nước.
Thời gian tới, giao thông thông minh sẽ được triển khai một cách đồng bộ trên các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đồng thời ứng dụng những công nghệ mới, phù hợp với tình hình Việt Nam đồng thời bổ sung thêm các tính năng của trí tuệ nhân tạo (AI) như phần mềm tự động xử lý đếm xe, phân tích mật độ giao thông, dự báo đông xe, tắc đường, cập nhật các vấn đề thời tiết, phục vụ tối ưu hoá giám sát và xử lý các sự cố giao thông, tự động đưa ra những cảnh báo cho người ra quyết định đưa ra phương án điều tiết và giải tỏa thích hợp…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2022 - 2030. Một trong các mục tiêu lớn đặt ra là 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Cùng với sự ưu tiên nguồn lực từ Chính phủ, mạng lưới cao tốc xuyên suốt và đầu tư đồng bộ ITS sẽ là nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội quốc gia thời gian tới.
Tiến Nam
Bình luận