Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 10/07/2023 06:07
TMO - Nhằm góp phần phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, tăng tính hấp dẫn cho Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành tuyến trải nghiệm số 4 trong vùng Công viên địa chất, đưa vào khai thác trong tháng 7/2023.
Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng nằm ở địa đầu phía Bắc nước ta, trên địa giới nhiều huyện của tỉnh Cao Bằng như Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An với diện tích hơn 3.000 km2. Từ năm 2015, UBND tỉnh Cao Bằng đã thành lập Công viên địa chất Non Nước và nâng cấp để đề nghị UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Ở đây có một khu bảo tồn quốc gia, năm khu bảo tồn loài sinh cảnh, năm khu bảo vệ cảnh quan và hai hành lang đa dạng sinh học, nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể…
Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ-sông-hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này.
Tại đây còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia Đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia Đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành tuyến trải nghiệm số 4 trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với tên gọi "Một thời hoa lửa".
Ngành Du lịch tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành tuyến trải nghiệm số 4 trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với tên gọi "Một thời hoa lửa", đưa vào khai thác trong tháng 7/2023. Tuyến trải nghiệm số 4 kéo dài trên địa phận thành phố Cao Bằng, huyện Thạch An và huyện Quảng Hòa, có nhiều điểm di sản địa chất phản ánh quá trình tiến hóa lâu dài với những biến động địa chất phức tạp cách đây hàng trăm triệu năm. Đó là hoạt động đứt gãy, quá trình chuyển biến của vỏ Trái đất từ vỏ đại dương sang vỏ lục địa; quá trình Karst hoá tạo nên cảnh quan Karst ấn tượng, chủ yếu là cảnh quan Karst trưởng thành (dạng cụm đỉnh lũng, thung lũng mù Karst, yên ngựa...) vừa có những đặc điểm “già” với đầy đủ các dạng địa hình khác nhau, mang đến cho khách tham quan những bất ngờ khi tìm hiểu về các điểm di sản địa chất.
Tại khu vực thành phố Cao Bằng, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích của môi trường sông - hồ - đầm lầy tồn tại cách ngày nay khoảng 28 - 38 triệu năm, với hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Các hóa thạch điển hình như hóa thạch san hô (xã Thụy Hùng, huyện Thạch An), lỗ tầng (Lê Lai, huyện Thạch An) được phát hiện, minh chứng cho quá trình địa chất lâu dài của một khu vực trước đây là biển, sau đó được nâng lên. Tại đèo Khau Khoang (xã Thái Cường, huyện Thạch An) xuất hiện sản phẩm phun trào núi lửa dưới đáy đại dương là vết lộ đá basalt dạng cầu gối.
Tuyến du lịch trải nghiệm “Một thời hoa lửa” gắn với huyền thoại Đường số 4 rực lửa; sự anh dũng của quân và dân ta làm nên Chiến thắng Biên giới năm 1950. Tuyến có Cụm di tích Chiến thắng Biên giới 1950 - chứng tích cho sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, đỉnh núi Báo Đông là nơi ghi dấu sự kiện lần đầu tiên và duy nhất Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận. Trên tuyến còn có điểm di sản tri ân người chiến sĩ cộng sản trung kiên, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng Hoàng Đình Giong.
Ngoài ra, tuyến trải nghiệm có làng nghề truyền thống làm mía đường Bó Tờ (huyện Quảng Hòa); cùng với đó là sự đa dạng sinh học phong phú điển hình như điểm rừng cây di sản Vân Trình (Thạch An) và nhiều cây con bản địa quý hiếm như thạch đen, lê Đông Khê, quýt, bí thơm...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng cho biết, tuyến trải nghiệm thứ 4 đã tích hợp các điểm di sản; kết nối thành phố Cao Bằng với các tuyến tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuyến cũng giúp khai thác hiệu quả quốc lộ 4A là tuyến giao thông huyết mạch nối Cao Bằng với Lạng Sơn và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng...; kết nối nối khách tham quan với Khu di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Biên giới năm 1950, những giá trị di sản văn hóa, địa chất. Đặc biệt là các biểu hiện điển hình nhất của đới đứt gãy sâu Cao Bằng - Tiên Yên...
Tỉnh Cao Bằng đang phát huy hiệu quả những lợi thế tự nhiên trong thúc đẩy du lịch tại vùng Non nước Cao Bằng. Ảnh: DH.
Trước đó, Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã xây dựng được 3 tuyến tham quan khám phá là: Tuyến phía Bắc - Hành trình về nguồn cội; Tuyến phía Tây - Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay; Tuyến phía Đông - Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên.
Thời gian qua, công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến Cao Bằng luôn được chú trọng. Các hoạt động quảng bá về công viên địa chất (CVĐC) được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Năm 2022, Ban Quản lý CVÐC Non nước Cao Bằng thực hiện 7 video clip quảng bá hình ảnh và hoạt động của CVĐC; phát hành định kỳ Bản tin CVĐC; thiết kế tài liệu hướng dẫn và tờ rơi 3 tuyến du lịch CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.
Theo đó, hình ảnh các điểm đến, dịch vụ du lịch được thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác đến du khách thông qua việc phát hành các ấn phẩm như: Video “Khám phá miền non nước Cao Bằng”, “Cao Bằng miền cổ tích”, “Những nét đặc trưng trong vùng CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng” (song ngữ Việt - Anh); sách ảnh “Non nước Cao Bằng - Xứ sở thần tiên”; Cẩm nang du lịch Cao Bằng; tập gấp “Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó”; tờ gấp “Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950”; tờ gấp “Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén”; tờ gấp “Danh thắng quốc gia hồ Thang Hen - núi Mắt Thần”; bản đồ du lịch Cao Bằng; các số bản tin, các tập gấp ba tuyến, sách hướng dẫn ba tuyến của CVĐC toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng (song ngữ Việt - Anh); tập ảnh đẹp miền non nước Cao Bằng…
Cùng với công tác xây dựng, bảo tồn và phát triển CVĐC, công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực đưa hình ảnh CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được bạn bè trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Hiện nay, các cấp, ngành, chính quyền địa phương tăng cường triển khai công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh, để các giá trị di sản trở thành một trong những nguồn lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Theo Ban Quản lý CVĐC Cao Bằng, việc xây dựng và phát triển CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, phát triển du lịch địa chất là một xu hướng mới và phù hợp tỉnh nhiều tiềm năng địa chất hấp dẫn như Cao Bằng. Đồng thời, triển khai đồng bộ, tạo sự kết nối giữa các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, môi trường…, là giải pháp hiệu quả nhất nhằm phát triển kinh tế khu vực miền núi.
Thu Minh
Bình luận