Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ bảy, 17/06/2023 07:06
TMO - Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển. Qua đó, không chỉ góp phần giảm thiểu sức lao động, mà còn thúc đẩy dịch vụ nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, nhờ hàng loạt các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng. Không chỉ có máy làm đất, máy bơm nước, máy gặt mà còn có thêm rất nhiều loại máy móc tiên tiến.
Hiện nay toàn tỉnh có gần 300 máy nông nghiệp các loại, bao gồm: máy cấy, máy bay phun thuốc, máy gieo sạ và bón phân, máy gặt, máy sấy lúa, sấy dược liệu, máy làm đất mini, máy cuộn rơm... Góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 98%; khâu chăm sóc, tưới hơn 95%; phun thuốc bảo vệ thực vật gần 80%; khâu thu hoạch trên 93%; khâu gieo cấy gần 30%...
Máy cuộn rơm được sử dụng sau khi thu hoạch lúa, tái sử dụng chất thải từ sản xuất lúa cho các hoạt động kinh tế khác.
Theo đánh giá của ngành chức năng, nếu cấy bằng máy chỉ mất khoảng 300 nghìn đồng/sào (tính cả tiền giống), trong khi sử dụng lao động thủ công, riêng công cấy đã 300- 350 nghìn đồng/sào, chưa kể công làm đất, gieo mạ, nhổ mạ… Hay khi sử dụng máy bay điều khiển từ xa phun thuốc bảo vệ thực vật, chi phí dao động từ 25-28 nghìn đồng/sào/lần phun, trong khi phun theo phương pháp thủ công 35 nghìn đồng/sào.
Phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy còn có sự đồng đều, tiết kiệm hơn 10% lượng thuốc và chi phí. Không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, cơ giới hóa còn hóa giải được bài toán về lao động cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụở nông thôn (làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy khô, cho thuê kho bảo quản...
Cùng với đó, các khâu sản xuất khác và chế biến nông sản cũng đang được tập trung đẩy mạnh, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các HTX, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho người dân. Nhờ đó, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt, nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã vươn ra các thị trường lớn trong nước, như: Trà hoa vàng, Mật ong cúc phương...
Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, như: Hỗ trợ 1 lần 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị (mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy, thiết bị, công nghệ) và hỗ trợ tối đa không quá 600 triệu đồng/đối tượng. Giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình phấn đấu có 5.000ha được hỗ trợ trong việc sử dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, theo chuỗi giá trị đồng bộ và cơ giới hóa. Trong đó, hết năm 2023, sẽ có khoảng 15 - 20% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng hệ thống cơ giới hóa đồng bộ.
Các huyện trong tỉnh thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch. Tỉnh Ninh Bình phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 200 triệu đồng/ha canh tác.
PV
Bình luận