Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Chủ nhật, 19/06/2022 17:06
TMO - Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề quan trọng của tiến trình phát triển bền vững đô thị.
Tại Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức 2 hội thảo chuyên đề: “Xây dựng đô thị, chuỗi đô thị thông minh kết nối trong nước và quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và “Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững”.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị những năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.
Nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Giao thông công cộng được quan tâm phát triển, hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang dần được hình thành. Nhiều nhà máy cấp nước công suất lớn được đầu tư xây dựng.
Hầu hết các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Hạ tầng chiếu sáng, xây xanh được cải thiện. Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ... tại các đô thị được quan tâm đầu tư. Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông rộng phủ 100% các xã.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng đô thị thích ứng cao với biến đổi khí hậu là những nhiệm vụ cần được chú trọng triển khai
Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, cho đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng; chưa đa dạng phương thức kết nối vùng và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn.
Tỉ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp; các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng; hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả thấp (Chỉ đạt khoảng 16-20% so với quy định Luật Giao thông đường bộ).
An ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước chưa được bảo đảm, nhiều nơi người dân đô thị còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước đô thị, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại đô thị chỉ đạt khoảng 13%, phần lớn các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% công suất thiết kế và xây dựng; tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi.
Xử lý chất thải rắn đa số vẫn bằng phương pháp chôn lấp, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Hạ tầng chiếu sáng đô thị tại các đô thị trung bình và nhỏ chất lượng chưa cao. Tỷ lệ cây xanh đô thị Việt Nam chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước có đô thị phát triển.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững của Việt Nam trong thời gian tới, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra mục tiêu “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”.
Đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ về “phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu” với nhiều định hướng giải pháp cụ thể như: Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng.
Đầu tư tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị; xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội.
Nghị quyết 06 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”.
Thực tiễn về chuyển đổi số hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 05 năm. Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1,0.
Trong quá trình đô thị hóa, việc ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hương Giang
Bình luận