Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ tư, 17/04/2024 08:04
TMO - Nhằm thúc đẩy người dân ứng dụng công thông tin, chuyển đổi trong chính quyền xã, mới đây UBND tỉnh Lào Cai đã quyết định phê duyệt mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.
Xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) là địa phương đầu tiên được tỉnh Lào Cai lựa chọn thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã. Việc xây dựng thí điểm mô hình tại xã Gia Phú nhằm triển khai thành công chuyển đổi số cho chính quyền cấp xã, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ trong giai đoạn tới với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lào Cai vừa ký ban hành Quyết định số 788/QĐ-UBND ngày 15/4/2024 phê duyệt mô hình thí điểm chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.
Thí điểm mô hình chuyển đổi số tại xã Gia phú, huyện Bảo Thắng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong chính quyền xã; góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; giúp người dân tại địa phương tiếp cận các nền tảng công nghệ số trong việc kinh doanh, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời để tỉnh Lào Cai đúc kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng triển khai thực hiện chuyển đổi số cấp xã hướng tới xây dựng “Xã nông thôn mới thông minh” tại các xã khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao; đồng thời, phát huy được sức mạnh đoàn kết, khẳng định vai trò người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai tiến hành chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh thí điểm tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, UBND tỉnh Lào Cai giao cho Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai lập mô hình thí điểm và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện.
Bước đầu mua sắm, lắp đặt 8 camera giám sát an ninh tại khu vực cổng một số trường học, một số các điểm nóng về an ninh, giao thông, khu vực giáp ranh; kết nối chia sẻ dữ liệu camera về trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh (IOC); 5 hệ thống loa truyền thanh thông minh tại các trường học và 2 chợ trên địa bàn xã; mua sắm, hỗ trợ 1 máy tính xách tay cho UBND xã triển khai nhiệm vụ chuyên môn hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ số, giải quyết thủ tục hành chính tại các thôn trên địa bàn xã.
Hệ thống camera thông minh được lắp đặt tại xã Gia Phú (Ảnh: BLC).
Bên cạnh đó hỗ trợ các đơn vị, cá nhân, chủ doanh nghiệp tạo gian hàng, đưa một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã Gia Phú lên sàn thương mại điện tử. Số hóa khu di tích lịch sử cách mạng Soi Cờ - Soi Giá trên App Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai (https://laocaitourism.vn). Triển khai 5 lớp đào tạo tập huấn cho thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, cho cán bộ công chức xã…
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hiện nay không chỉ có xã Gia Phú mà còn nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã ứng dụng công nghệ, chủ động đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đến nay hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh Lào Cai đã có mặt trên sàn thương mại điện tử; 100% chủ thể đã có tài khoản thanh toán điện tử; 100% sản phẩm OCOP đã được giới thiệu, quảng bá trên sàn thương mại điện tử tỉnh Lào Cai (laocaitrade.vn) và trang thông tin xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai (xttmnongnghiep.laocai.gov.vn).
Để triển khai tốt các nhiệm vụ về chuyển đổi số thời gian tới, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành và thực hiện theo Kế Hoạch số 121/KH-BCĐ ngày 23/2/2024 về Tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tỉnh Lào Cai năm 2024.
Theo đó, tỉnh đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng số, xây dựng chính quyền số. Bên cạnh đó Lào Cai còn xác định thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn, trong đó nhấn mạnh xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi số với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, đồng thời hỗ trợ tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SME).
Đồng thời hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh…ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc tiêu thụ trên các Hệ thống thông tin chuyên ngành và đặc biệt trên sàn thương mại điện tử. Cụ thể với mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực có ứng dụng công nghệ số, tỉnh Lào Cai phấn đấu mục tiêu năm 2024 đạt 35%, tỷ lệ mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số phấn đấu đạt 35%, tỷ lệ doanh nghiệp, hợp tác xã, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh hay tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tỉnh Lào Cai phấn đấu đạt 100%...
Mặc dù huyện Bảo Thắng nói chung và xã Gia Phú nói riêng là vùng mà điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên chuyển đổi số ở Bảo Thắng và cụ thể là mô hình thí điểm tại xã Gia Phú là minh chứng rõ nét nhất về quyết tâm chính trị cao độ, sự tích cực, chủ động, tìm hướng phát triển mạnh mẽ của lãnh đạo chính quyền các cấp của tỉnh Lào Cai.
Gia Khánh
Bình luận