Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ hai, 08/01/2024 14:01
TMO - Theo các chuyên gia kinh tế, năng lượng, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đang là vấn đề cấp bách, cần có cơ chế mới để thực hiện.
Theo Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW). Trong đó, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí là 30.424 MW và điện gió ngoài khơi là 6.000 MW chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung. Đồng thời, việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà các-bon đến năm 2050, bởi các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.
Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia để bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là một thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các bon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải. Đặc biệt việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.
Việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đang là vấn đề cấp bách, cần có cơ chế mới để thực hiện hiệu quả.
Từ kinh nghiệm triển khai các dự án điện khí LNG cho thấy, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện này khá dài. Thực tế, để triển khai một dự án điện khí từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch đến khi vào vận hành cần khoảng thời gian từ 7-8 năm. Trong đó, thời gian lựa chọn nhà đầu tư 1-2 năm; hoàn thành Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu cứu khả thi và các văn bản pháp lý cần thiết cho dự án khoảng 1-2 năm; đàm phán Hợp đồng PPA, thu xếp vốn vay khoảng 2-3 năm, thời gian của giai đoạn này là khó xác định và có độ dao động rất lớn, vì điều này phụ thuộc vào năng lực kinh nghiệm và tài chính của Nhà đầu tư và các yêu cầu cụ thể trong Hợp đồng PPA; và thời gian xây dựng khoảng 3,5 năm. Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện cần khoảng từ 6-8 năm kể từ lúc khảo sát. Do đó, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi để đáp ứng tiến độ đưa vào vận hành trước năm 2030 là thách thức không hề nhỏ.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trước năm 2030 là 30.424 MW, gồm 10 dự án sử dụng khí khai thác trong nước với tổng công suất 7.900 MW và 13 dự án sử dụng LNG với tổng công suất 22.824 MW. Đối với các dự án điện khí LNG, còn 3 vướng mắc cần được tháo gỡ mà chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ ràng, bao gồm: Bao tiêu sản lượng khí tối thiểu; Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện; Cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Bên cạnh đó, do chưa có chính sách về tài chính, bao tiêu sản lượng điện khí, cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện... nên các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu… Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, do thiếu các cơ chế, chính sách cho điện khí, điện gió ngoài khơi nên rủi ro là rất cao với nhà đầu tư. Về điện gió ngoài khơi, PVN hoàn toàn có khả năng thực hiện, vấn đề là thiếu cơ chế, chính sách, quy hoạch, chưa có địa điểm, chưa rõ cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt.
Theo các chuyên gia kinh tế, năng lượng, các dự án điện khí có nhiều điểm khác biệt so với những nguồn điện khác, đặc biệt là vấn đề giá thành và đầu vào. Do đó, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế đặc thù cho các nguồn điện đặc thù để có thể tham gia hòa lưới và phát điện, đồng thời phải có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách linh hoạt, theo đúng tín hiệu của thị trường mới đảm bảo được sự phát triển bền vững của các nguồn điện.
Đối với các dự án điện khí LNG, hiện pháp luật hiện hành chưa quy định việc bao tiêu sản lượng khí tối thiểu; Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện; Cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Điều đó đã khiến các dự án đầu tư không xác định được khả năng thu hồi vốn, thu xếp vốn, không xác định được lượng LNG cần nhập khẩu bao nhiêu để đảm bảo mức giá khí cạnh tranh trong ký kết hợp đồng nhập khẩu LNG cho sản xuất điện.
Các chuyên gia cho rằng, nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi là vấn đề quan trọng cần được chú trọng triển khai.
Bên cạnh đó, các dự án điện gió ngoài khơi cũng có những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến: Cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi; Đến nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện lực; Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Muốn giải quyết được những vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Phải có cơ chế đặc biệt, đối với câu chuyện điện gió ngoài khơi, tiềm năng về gió thì có nhưng quy định của luật chưa phù hợp, có cái thậm chí là chưa có. Trong đó, cần có Ban chỉ đạo năng lượng để thực thi nhất quán; cần có một nhóm tư vấn về chiến lược về cơ chế chính sách.
Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, Bộ Công Thương với tư cách là đầu mối cơ quan tham mưu cho Chính phủ, cần có đề xuất với Quốc hội để có một nghị quyết triệt để về triển khai quyền bình đẳng trong đấy có tất cả các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện khí, điện khí LNG… Cần phải có nghị quyết cho phép triển khai song song với quá trình hoàn thiện các khung pháp lý. Bởi vấn đề này liên quan đến rất nhiều luật như Luật đầu tư, Luật điện lực, Luật giá, đấu thầu...
Trước tính cấp bách và khẩn trương trong việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, các chuyên gia đề nghị có báo cáo chi tiết, liệt kê vấn đề đang gặp khó khăn, vướng mắc và phân định rõ vấn đề của từng bộ, ngành, địa phương quản lý, chịu trách nhiệm để báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội có hướng chỉ đạo giải quyết sớm như về xây dựng cơ chế khoán, cơ chế giá điện và các vấn đề cấp bách khác... nhằm tận dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của nước ta.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu tiếp tục để cơ chế mua điện giá cao, bán giá thấp như hiện nay thì không thể hoàn thành các mục tiêu mà Quy hoạch điện VIII đề ra, nhất là trong mua bán với quốc tế. Do vậy, cần sửa Luật Điện lực để bảo đảm giá điện tính đúng, tính đủ. Nút thắt về giá phải giải quyết và thể hiện rõ trong giải pháp, kiến nghị kể cả điện khí và điện gió. Trước ý kiến này, Bộ Công Thương cho biết sẽ sớm tổng hợp báo cáo Chính phủ, trình cấp thẩm quyền để xây dựng cơ chế, chính sách, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc hiện nay trong khi luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa kịp sửa đổi.
Đức Hòa
Bình luận