Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ năm, 20/04/2023 07:04
TMO - Hiện nay, các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đang thực hiện việc đàm phán hợp đồng mua bán điện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương và thực tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo thống kê, hiện cả nước có 84 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất hơn 4.676MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong số này, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời), có tổng công suất gần 2.091MW, đã hoàn thành nhưng chưa được huy động phát điện, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và lãng phí tài nguyên. Chỉ tính riêng 34 dự án chuyển tiếp này ước tính tổng vốn đã đầu tư lên đến gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng.
Đại diện các tỉnh có tiềm năng năng lượng tái tạo như Quảng Trị, Đắk Nông… cho biết, nhiều nhà máy điện gió đã hoàn thành, có khả năng phát điện nhưng không kịp tiến độ vận hành trước 31/10/2022 để được hưởng cơ chế giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) của Nhà nước do vẫn đang chờ hoàn tất các thủ tục để đàm phán theo cơ chế giá điện chuyển tiếp do Bộ Công Thương mới ban hành. Theo các địa phương này, việc chưa được huy động vận hành nguồn điện năng lượng tái tạo là rất lãng phí nguồn lực của nhà đầu tư. Do đó, các địa phương đề nghị Bộ Công Thương cần sớm ban hành các cơ chế chính sách, có hướng dẫn để đưa các dự án năng lượng này vào khai thác, vận hành.
Năm 2022, Bộ Công Thương đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời. Đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư, nhưng không kịp đưa vào vận hành đúng mốc thời gian theo quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Tuy nhiên, việc đấu thầu giá điện để chọn nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo lại vướng vì chưa có căn cứ để triển khai. Bởi theo quy định Luật Đầu tư, Luật Giá và Luật Điện lực, không thể thực hiện đấu thầu chọn nhà đầu tư với tiêu chí giá bán điện cạnh tranh (giá cuối cùng) là tiêu chí giá trúng thầu.
Để xây dựng khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xác định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Căn cứ theo quy định tại Thông tư này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lập và trình Bộ Công Thương kết quả tính toán khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Trên cơ sở kết quả do EVN trình, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 quy định khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Theo đó, khung giá đã được tính toán trên cơ sở chi phí quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 99 nhà máy ĐMT (gồm 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất, 4 nhà máy điện mặt trời nổi) và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. EVN đã đưa ra bốn phương án để tính khung giá (bao gồm tính toán dựa trên suất đầu tư, tỷ lệ vốn vay, lãi suất và các khoản thuế, hoặc các phương án không bao gồm yếu tố suất đầu tư, sản lượng điện).
Nhiều địa phương có doanh nghiệp đầu tư các dự án năng lương tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá điện chuyển tiếp giữa EVN và các chủ đầu tư.
Tuy nhiên, từ khung giá do EVN đưa ra các chủ đầu tư cho rằng: Nếu thực hiện theo khung giá này có thể làm cho các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản. Ngoài những bất cập về giá, liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện, đa số nhà đầu tư mong muốn được tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Các hướng dẫn của cấp có thẩm quyền cần cụ thể hơn để thủ tục đàm phán mua bán sớm được triển khai.
Việc đàm phán giá, với mong muốn doanh nghiệp có lãi (bao gồm chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và EVN) là chính đáng, nhưng phải hài hoà với lợi ích của Nhà nước và người tiêu dùng, sử dụng điện. Việc đàm phán giá điện cần được thực hiện trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa các bên, chia sẻ rủi ro theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các dự án phải chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, điện lực, quy hoạch, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quản lý Nhà nước trong việc ban hành Thông tư hướng dẫn và Khung giá điện (chuyển tiếp), vấn đề còn lại bây giờ là việc đàm phán giữa EVN và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, mới có 23 dự án/tổ hợp dự án trong số 84 dự án của các chủ đầu tư gửi hồ sơ để tham gia đàm phán, số dự án còn lại đến giờ vẫn không gửi hồ sơ nên không có cơ sở để đàm phán. Bộ trưởng cho rằng chính quyền địa phương cần chỉ đạo ngành Công Thương địa phương, ngành điện tại địa phương đẩy nhanh làm việc với các chủ đầu tư trong việc thúc đẩy các chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục theo quy định, trên cơ sở đó mới huy động, đàm phán giá điện phù hợp.
Việc các chủ đầu tư muốn huy động trước khi đàm phán thì không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, trong số các tổ hợp này thì cũng không ít tổ hợp hiện còn thiếu những thủ tục, thực hiện không đúng quy định hiện hành của pháp luật. Cho nên các chủ đầu tư cũng rất là ngại ngần khi nộp hồ sơ để có thể đàm phán với EVN. Nếu chủ đầu tư muốn huy động, muốn đàm phán thì phải hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp luật, không thể huy động khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Mặt khác, việc huy động phải tùy thuộc vào nhu cầu dùng điện, hay nói khác là phụ tải, nếu chúng ta huy động về mà không có phụ tải thì cũng không huy động để làm gì cả, đó là một thực tế….
Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo các quy định. Đây là giải pháp tình thế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (bao gồm EVN và các chủ đầu tư điện gió, mặt trời).
Hà Phương
Bình luận