Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ sáu, 23/02/2024 13:02
TMO - Thiếu quỹ đất, vướng giải phóng mặt bằng, khó thu hút chủ đầu tư là nguyên nhân khiến nhiều thành phố lớn trên cả nước gặp hạn chế trong phát triển nhà xã hội.
Bộ Xây dựng cho biết, phát triển ở xã hội, nhà ở cho công nhân vừa là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội, vừa là một giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo nguồn cung, tái cơ cấu lại thị trường bất động sản cân đối trong cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá phù hợp cho người thu nhập thấp và trung bình như hiện nay.
Với chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc chủ động, trách nhiệm của các bộ ngành Trung ương và đặc biệt là các địa phương, kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đến nay đã đạt được những dấu mốc quan trọng.
Vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Đất đai (sửa đổi) cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; đặc biệt là tháo gỡ tồn tại, vướng mắc để thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Các chính sách mới này, cùng với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia và các Chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo nhà ở cho các đối tượng chính sách theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Chỉ riêng trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ; trong đó 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 40.0000 căn; 127 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 108.000 căn; 301 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 265.500 căn. Theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội”, phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn hộ. Như vậy, nếu các dự án đã được cấp phép và chấp thuận chủ trương đầu tư hoàn thành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu Đề án đến năm 2025.
Việc triển khai thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển nhà ở trên cả nước vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Đáng chú ý, nhiều hành phố trọng điểm với nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, lại có kết quả hạn chế. So với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội mới phát triển 1.700 căn, đáp ứng 9% mục tiêu; TP.HCM đáp ứng 19% với gần 5.000 căn; Đà Nẵng đáp ứng 43% với hơn 2.700 căn.
Nhiều địa phương không có dự án nào khởi công từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi... Có những địa phương chưa quy hoạch, bố trí quỹ đất xây nhà xã hội như Ninh Bình, Lai Châu, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp. UBND tỉnh Bắc Giang cho biết đến hết năm 2023, tính cả số căn nhà xã hội hoàn thành và đang triển khai mới đạt 7% mục tiêu đến năm 2025 của đề án với hơn 2.400 căn. Hầu hết dự án nhà xã hội đều chậm tiến độ. Đến nay, tỉnh còn 5 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong và 3 đã có đất sạch nhưng chưa đầu tư xây dựng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng do cả UBND cấp huyện và chủ đầu tư chưa chủ động. Ngay cả những dự án đã có đất sạch, việc giao, cho thuê vẫn mất nhiều thời gian lập hồ sơ và thẩm định. Ngoài ra, kết quả phát triển nhà xã hội còn thấp do việc thu hút đầu tư còn chậm, thủ tục đầu tư, mua bán còn phức tạp. Thực tế, số dự án được duyệt đầu tư tại tỉnh này mới đạt 25% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, cơ chế ưu đãi với chủ đầu tư vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Trước đây Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49 quy định chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà xã hội. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 không còn quy định nêu trên, gây khó trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia. Thiếu quỹ đất cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều thành phố lớn gặp khó trong việc hoàn thành chỉ tiêu xây nhà xã hội.
Khó khăn trong tiếp cận gói vay ưu đãi cũng tạo thách thức cho mục tiêu phát triển nhà xã hội. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã được áp dụng được 10 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 0,3%. Bộ Xây dựng cho biết đã gửi Ngân hàng Nhà nước danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay. Tuy nhiên báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chỉ có một chủ đầu tư được vay với số tiền gần 126 tỷ đồng. Tại TP.HCM theo kế hoạch thành phố có 4 dự án nhà xã hội gần hoàn thành và dự kiến bàn giao nhà trong năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được giải ngân trong gói vay ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá việc triển khai gói 120.000 tỷ đồng chưa đi vào cuộc sống...
Trong khi đó, theo đánh giá của Ban Kinh tế Trung ương: việc phát triển nhà ở xã hội hiện nay chưa thực sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với thực tiễn phát triển xã hội. Một số địa phương hiểu chưa đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa thực sự chú trọng ưu tiên bố trí quỹ đất và nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội. Hệ thống các cơ chế, chính sách và pháp luật về nhà ở xã hội chậm được đổi mới, chưa thực sự bảo đảm yêu cầu về đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.
Trước thực trạng trên thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Xác định các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị, các tỉnh, thành phố khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân; lập kế hoạch triển khai Đề án.
Riêng về việc quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các địa phương cần rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân. Dự án nhà ở xã hội độc lập cần được quy hoạch, bố trí tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đặc biệt, các địa phương cần rà soát, thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Về việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội năm 2024, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương căn cứ mục tiêu của Đề án và chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm, khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể đầu tư các dự án đảm bảo mục tiêu đề ra.
Những dự án đã khởi công xây dựng, các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024; hướng dẫn, tạo điều kiện các dự án được nghiệm thu, đưa vào sử dụng theo đúng quy định – Bộ Xây dựng yêu cầu. Còn với dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng... để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.
Với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương lập quy hoạch, thẩm định báo cáo tiền khả thi, cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương... để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia.
Ngoài ra, các địa phương chủ động đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện...
Bích Hồng
Bình luận