Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ ba, 04/06/2024 08:06
TMO - Xác định nước sinh hoạt vô cùng quan trọng đối với sức khỏe, đời sống người dân, tỉnh Thái Nguyên đã và đang đầu tư xây mới, sửa chữa nhiều công trình cấp nước, phấn đấu đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 98% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh để cải thiện và nâng cao đời sống.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 254 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%. Trong đó, hơn 55,7% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia và quy chuẩn địa phương. Tiêu chí nước sạch và môi trường là nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống người dân. Qua đó, đóng góp vào kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên.
Trong giai đoạn 2022-2025, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định đầu tư 100% ngân sách và người dân không phải đối ứng để xây dựng công trình cấp nước. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cũng tích cực phối hợp với các địa phương để rà soát, tham mưu xây dựng về quy hoạch hệ thống cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại tất cả các công trình trong dự án đã được khởi công xây dựng, một số công trình đã triển khai đến 90% khối lượng công việc.
Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu hết năm 2025 toàn tỉnh có 98% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, địa phương sẽ tăng cường huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng cấp nước sạch nông thôn theo hướng đầu tư gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt; ưu tiên đầu tư công trình tạo nguồn cấp nước sinh hoạt tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, ô nhiễm nguồn nước; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung cho vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hiện nay, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thái Nguyên đang quản lý, vận hành 31 công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh, cấp nước sạch ổn định cho hơn 20 nghìn hộ dân. Bên cạnh đó, Thái Nguyên hiện có hàng trăm công trình cấp nước tự chảy, cung cấp nước hợp vệ sinh cho hơn 95% số hộ ở nông thôn. Ðể nâng cao hiệu quả đầu tư, trước khi phê duyệt chủ trương và quyết định đầu tư 23 công trình thuộc dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn của tỉnh, các cơ quan chức năng đã khảo sát thực tế từng vị trí, công trình, thực trạng sử dụng nước sinh hoạt của người dân để quyết định lập danh mục xây mới, sửa chữa công trình.
Cùng với việc thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, qua đó chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý, vận hành công trình; tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước hiệu quả nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư.
Năm 2024, huyện Đại Từ được UBND tỉnh phê duyệt 6 dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Địa phương đang được Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (chủ đầu tư) thực hiện xây mới 3 công trình tại thị trấn Quân Chu, xã Phú Thịnh và xã Na Mao; sửa chữa, nâng cấp và mở rộng 3 công trình tại các xã Phúc Lương, Yên Lãng và Mỹ Yên. Những công trình này đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho gần 3.900 hộ dân.
Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 43 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 12 công trình; các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 7 công trình; các công trình còn lại do UBND các xã, thị trấn quản lý. Để nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt theo quy chuẩn, sau khi rà soát tại các xã, thị trấn, huyện Đại Từ đã đề xuất tiếp tục xây dựng mới 4 công trình cấp nước tập trung tại các xã Lục Ba, Phúc Lương, Phú Cường và Cát Nê; sửa chữa, nâng cấp và mở rộng 3 công trình tại xã Phục Linh và thị trấn Quân Chu, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 30 tỷ đồng.
Thái Nguyên chú trọng đầu tư, nâng cấp để nâng cao hiệu quả vận hành cho các công trình cấp nước sạch nông thôn.
Cùng với việc thực hiện Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, tỉnh Thái Nguyên tiến hành rà soát tổng số 254 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó chỉ đạo chính quyền cơ sở khắc phục khó khăn, hạn chế về năng lực quản lý; tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng và UBND các huyện, thành phố yêu cầu quan tâm, đẩy mạnh công tác cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát lại các quy định về giá nước sạch nông thôn đảm bảo phù hợp với thực tiễn; tăng cường công tác giám sát, đánh giá chất lượng nước sạch nông thôn; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Bộ chỉ số giám sát - đánh giá trong xét, công nhận huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao;
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai các nội dung về nước sạch trong Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng hồng thôn mới giai đoạn 2021-2025; trong đó, cần chủ động rà soát các mô hình cấp nước, trữ nước hiệu quả trên địa bàn để có giải pháp hoàn thiện và nhân rộng; có giải pháp cấp nước tại các vùng đặc thù, khan hiếm và khó khăn về nguồn nước; xây dựng các mô hình thí điểm về trữ nước cộng đồng.../
Lê Bình
Bình luận