Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 12:11
Thứ hai, 29/07/2024 13:07
TMO - Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân 15%... để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp.
Những năm qua, việc đưa nước sạch đến với người dân nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Tây Ninh quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận với nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trên địa bàn tỉnh, mạng lưới cấp nước sạch nông thôn có 78 công trình, gồm 77 công trình cấp nước tập trung nông thôn (trong đó, 68 công trình công suất thiết kế từ 100m3/ngày đêm trở lên/công trình, 9 công trình có công suất thiết kế từ 100m3/ngày đêm trở xuống/công trình) và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ. Công suất hoạt động trung bình của các công trình cấp nước sạch nông thôn đạt 61,23% công suất thiết kế (gần 12.700/20.727m3/ngày đêm); số hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước sạch nông thôn đạt 92,2% số hộ thiết kế (khoảng 24.700 hộ/26.800 hộ).
Việc duy trì hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, bảo đảm cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, chất lượng nước theo quy chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khoẻ người dân đang là một trong những vấn đề được quan tâm trên địa bàn tỉnh.
Đến hết năm 2023, tỷ lệ dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 68%, tại các xã nông thôn mới bảo đảm đạt từ 65% trở lên.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, để bảo đảm cho tất cả hộ dân khu vực trên được tiếp cận nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng, Trung tâm đã đề xuất các dự án nâng cấp, sửa chữa từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, trong danh mục đề xuất dự án “Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu năm 2021-2025”, nguồn vốn vay WB (ngân hành thế giới) có xây mới công trình cấp nước sinh hoạt liên xã huyện Tân Biên (6 xã: Mỏ Công, Trà Vong, Tân Phong, Tân Lập, Thạnh Tây) với dự kiến công suất từ 8.000 m3/ngày.đêm đến 10.500 m3/ngày.đêm, cấp nước cho khoảng 13.500 hộ.
Trong năm 2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận vận hành, đưa vào khai thác 3 công trình cấp nước, gồm: Hệ thống cấp nước Khu đô thị Mộc Bài với công suất thiết kế 7.000m3/ngày.đêm, cấp nước cho 3.000 hộ dân khu vực xã An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng; công trình cấp nước ấp Trảng Trai với công suất thiết kế 168m3/ngày.đêm, cấp nước cho 100 hộ dân khu vực ấp Trảng Trai, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; Công trình cấp nước Khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 (ấp Cây Khế) với công suất thiết kế 2.300m3/ngày.đêm, cấp nước cho 2.685 hộ dân khu vực 4 ấp: Cây Khế, Cây Cầy, Con Trăn, Tân Thuận thuộc xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình cũng đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch, bảo đảm chất lượng, vệ sinh, tạo sự công bằng giữa hộ dân nông thôn trong và ngoài vùng quy hoạch cấp nước của hệ thống cấp nước tập trung. Nhờ đó, tỷ lệ người dân vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh ngày càng được nâng lên, góp phần bảo đảm sức khoẻ, đời sống cho người dân.
Thực hiện chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21.3.2018 của UBND tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố cũng đã hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn, đạt 40,75% so với mục tiêu đề ra. Tổng kinh phí thực hiện là 38,712 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 36,55 tỷ đồng (chiếm 94,42%). Việc hỗ trợ này giúp người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh, góp phần thực hiện tiêu chí 17.1 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong cao điểm mùa khô 2024, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai những giải pháp chủ động ứng phó kịp thời trong công tác cấp nước phục vụ cho người dân. Cụ thể, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi kiểm tra các hạng mục tại công trình có nguy cơ thiếu nước; đo lưu lượng cấp nước tại các hộ dân nằm ở khu vực cuối tuyến ống; lên kế hoạch bảo dưỡng bảo trì các thiết bị tại công trình; nâng cấp cụm xử lý nước.
Mở rộng tuyến ống cấp nước đến các hộ dân; thay lọc cát, nâng cấp hệ thống lọc nhằm tăng khả năng khai thác, nâng công suất phục vụ cấp nước an toàn, liên tục, ổn định cho người dân nông thôn. Bên cạnh đó Trung tâm chỉ đạo nhân viên quản lý khu vực, quản lý trạm bám sát địa bàn, báo cáo hằng ngày các sự cố, đảm bảo vật tư, lực lượng triển khai sửa chữa, khắc phục kịp thời, không làm gián đoạn công tác cấp nước phục vụ người dân.
Thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả vận hành công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%.
Thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028, Tây Ninh Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân 15%. Phấn đấu đến năm 2030, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 85%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân từ 15% trở xuống. Giai đoạn 2024-2028, dự kiến 70% công trình cấp nước tập trung nông thôn được lập, phê duyệt và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô lớn, liên xã, liên huyện, ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống công trình thuỷ lợi (hồ chứa, kênh chuyển nước, kênh chính) để xử lý, cấp nước cho sinh hoạt; mở rộng tuyến ống các công trình cấp nước tập trung nông thôn kết nối với hệ thống cấp nước đô thị (khu vực phù hợp) để mở rộng phạm vi cấp nước và bao phủ vùng cung cấp nước.
Đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng quy mô công trình cấp nước tập trung nông thôn gắn với quản lý, khai thác vận hành theo quy trình, kế hoạch được duyệt, hoạt động hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên các giải pháp ứng dụng công nghệ xử lý nước hiện đại; thiết bị thông minh trong công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước; giám sát chất lượng nước; xây dựng hệ thống thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu và điều khiển, giám sát, lưu trữ dữ liệu.
Mặt khác, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng nước tại các công trình; kịp thời phát hiện các công trình có nguồn nước ô nhiễm để có giải pháp khắc phục, xử lý phù hợp, bảo đảm chất lượng nước đầu vào và sau xử lý. Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng các phương án bảo vệ, cải tạo chất lượng nguồn nước; quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm. Kiểm soát các nguồn xả thải, hoạt động khai thác nước; xử lý nghiêm các vi phạm về xả thải, gây ô nhiễm nguồn nước, khai thác, sử dụng nguồn nước trái phép.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thiết xử lý nước hiện đại, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; sử dụng các trang thiết bị, công nghệ hiện đại về kiểm soát chất lượng và khử trùng nước; đầu tư các thiết bị phục vụ công tác giảm thất thoát, duy trì ổn định áp lực và cấp nước liên tục.
Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước; tuyên truyền, phổ biến kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia, liên quan đến hoạt động cấp nước sinh hoạt, thay đổi hành vi, thói quen trong việc sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả. Hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước sinh hoạt an toàn để sử dụng trong mùa khô, đặc biệt là các khu vực khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.../.
Hồng Anh
Bình luận