Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 15:11
Thứ ba, 01/08/2023 07:08
TMO - Mưa lớn xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày khiến nhiều địa phương tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và ĐBSCL chịu thiệt hại nặng nề. Trước dự báo về tình hình mưa lớn kéo dài, các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ.
Tại tỉnh Đồng Nai, mưa lớn kèm theo nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Đồng Nai, sông La Ngà, đoạn thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai bị thiệt hại nặng do cá chết hàng loạt và nước cuốn trôi bè. Theo báo cáo nhanh về tình hình ngập lụt do lũ của UBND huyện Định Quán, 5 ngày qua (từ ngày 27-31/7), mưa lớn nên lũ xuất hiện trên sông Đồng Nai và sông La Ngà, gây ngập cục bộ tại một số khu vực trũng thuộc 5 xã trên địa bàn huyện. Lũ đã gây thiệt hại kinh tế đối với người dân hơn 20 tỷ đồng; trong đó, có gần 1.850 tấn cá bị chết và thoát ra ngoài, khoảng 270 lồng, bè của các hộ nuôi cá trên sông Đồng Nai và sông La Ngà bị thiệt hại.
Cá nuôi lồng, bè bị ngộp nước chết la liệt tại huyện Định Quán. Ảnh: TH.
Trong đó, xã Phú Vinh bị thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 1.000 tấn cá. Ngoài ra, lũ cũng khiến nhiều căn nhà và gần 200 ha cây trồng trên địa bàn huyện bị ngập.Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai, Tân Phú và Định Quán là 2 huyện ở đầu nguồn hệ thống sông Đồng Nai. Những ngày qua, do mưa lớn, thủy điện xả lũ nên nước các sông trên địa bàn 2 huyện dâng cao, gây thiệt hại về tài sản; tại các địa phương khác trên địa bàn Đồng Nai, chưa ghi nhận thiệt hại do mưa lũ.
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai nhằm kịp thời thông báo cho cộng đồng biết để chủ động ứng phó với lũ lụt, sạt lở bờ sông. Khi có ngập lụt, lũ lớn xảy ra, các địa phương cần huy động lực lượng chốt trực tại những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, hướng dẫn người dân lưu thông an toàn, đồng thời cắm biển báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Khi có thiệt hại do thiên tai, địa phương chủ động kiểm tra, thống kê, xác minh, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại theo quy định.
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo triển khai các biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó với các hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, dông lốc… nhất là trong bối cảnh lượng mưa được ghi nhận tại nhiều địa phương ở mức cao, phổ biến khoảng 150mm, cá biệt có nhiều nơi trên 200mm.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát các khu vực sườn dốc (nhất là tại các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan…) để kịp thời phát hiện nguy cơ sạt lở khi lượng mưa lớn tiếp tục kéo dài; chủ động khơi thông dòng chảy các sông, suối, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hành lang thoát lũ. UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng, chống thiên tai…
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, trong nhiều ngày liền, địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa to đến rất to, nhất là đêm 30/7, rạng sáng 31/7. Chỉ tính riêng thành phố Gia Nghĩa đã có khoảng 70 căn nhà bị ngập (độ sâu từ 0,5 - 1,5m). Tình trạng ngập úng, sạt lở đất diễn ra tại nhiều nơi, làm ảnh hưởng tới nhiều tuyến đường giao thông, nương rẫy, ao cá…
Người dân gia cố đê bị vỡ tại huyện Lắk.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đến tối 31/7, trên địa bàn các huyện các huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông có 128 ngôi nhà, 4.478ha cây trồng bị ngập, trong đó lúa 3.885ha; hoa màu 481ha; cây lâu năm 57,5ha và 6,6ha mặt ao nuôi cá bị ngập và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày tới, dự báo mưa lớn tiếp tục xảy ra, chủ yếu tập trung vào chiều và tối. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ kè, các tuyến đường giao thông, ngập úng vùng trũng thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp. Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo chính quyền các địa phương, sở, ban, ngành triển khai phương án ứng phó thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc, chủ động phương án sẵn sàng bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong các tình huống. Các địa phương trong tỉnh vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định tình hình để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, bảo vệ an toàn người và tài sản; phân công lực lượng chức năng trực, hướng dẫn không cho người dân qua lại các tuyến đường đang bị ngập nước.
Tại tỉnh Lâm Đồng, trước diễn biến thời tiết mưa nhiều và diễn ra liên tục trong thời gian dài, một số tuyến đường trọng yếu trên địa bàn đã xảy ra tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng an toàn giao thông và tính mạng, tài sản của người dân. Trong đó có vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra chiều 30/7 trên đèo Bảo Lộc, làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và 1 người dân bị vùi lấp tử vong, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương trực thuộc, khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.
Tỉnh Lâm Đồng khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc, đồng thời chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở tại nhiều khu vực. Ảnh: HM.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chuẩn bị các phương án, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng phối hợp tổ chức cứu nạn, cứu hộ, tham gia khắc phục hậu quả ngay khi có sự cố xảy ra, đưa người dân đến nơi an toàn; khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ để chủ động xử lý và cảnh báo; kiên quyết tổ chức di dời (cưỡng chế di dời khi cần thiết), sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực nguy hiểm; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 trong thời gian xảy ra mưa lớn, liên tục.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương chỉ đạo các công ty thủy điện bảo đảm vận hành đúng quy trình, có phương án xả lũ hợp lý và thông tin cảnh báo kịp thời cho người dân, tuyệt đối không xả lũ vào ban đêm. Giao Sở Giao thông vận tải phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các đoạn đường có nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch, giao thông đối ngoại trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương án phân luồng và bảo đảm an toàn giao thông khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, qua rà soát, toàn tỉnh Lâm Đồng có đến 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Tỉnh Lâm Đồng đã di dời được 94 hộ dân, còn 150 hộ dân cần tiếp tục di dời khi tình hình mưa lớn tiếp tục diễn ra. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương kiểm tra, rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, mưa lớn kèm dông lốc những ngày qua đã làm sập, tốc mái 33 căn nhà, 1 nhà kho của người dân tại thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và các huyện: Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A, ước thiệt hại trên 614 triệu đồng.
Sau khi xảy ra sự cố do mưa dông, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương xác định, đánh giá mức độ thiệt hại, khảo sát khu vực bị ảnh hưởng. UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường lực lượng xung kích tổ chức sửa chữa, khắc phục cho người dân. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi khuyến cáo, những ngày tới dự báo lượng mưa dông giảm so với tuần cuối tháng 7 nhưng vẫn xuất hiện mưa dông nhiều nơi, cục bộ có nơi mưa to trong thời đoạn ngắn, trong cơn dông có kèm theo lốc xoáy, gió giật cấp 5, cấp 6. Do đó, người dân cần kiểm tra, chặt, tỉa cành cây to gần đường điện, gần nhà, trường học; kiểm tra chằng, chống, gia cố nhà cửa và các công trình phụ.
Mưa kèm theo dông lốc đã làm sập 72 căn nhà và tốc mái 125 căn nhà tại tỉnh Kiên Giang.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 mưa vừa kèm theo dông, lốc gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Mưa vừa kèm theo dông, lốc đã làm bị thương 13 người trên địa bàn các huyện Vĩnh Thuận, U Minh Thượng, Gò Quao; sập 72 căn nhà và tốc mái 125 căn nhà, ước giá trị thiệt hại về vật chất khoảng hơn 2,6 tỷ đồng. Dông, lốc làm chìm 3 tàu đánh cá của ngư dân đang neo đậu ở huyện Châu Thành, đổ ngã 14 trụ điện và gãy đổ nhiều cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố. Mưa gây ngập úng cục bộ một số tuyến đường nội ô của thành phố Rạch Giá. Mưa, dông, lốc còn làm đỗ ngã khoảng 1.000ha lúa hè thu đang trong giai đoạn chín; ngập 4.000ha lúa trong giai đoạn mạ, một số diện tích cây ăn trái và hoa màu.
Hiện nay, các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai đã tạm ứng một phần ngân sách của huyện để hỗ trợ, thăm hỏi, động viên người dân bị thiệt hại với tổng số tiền 695 triệu đồng và tổ chức xác minh, tiến hành các thủ tục trình Ủy ban Nhân dân tỉnh chi hỗ trợ từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai tỉnh cho các hộ dân, góp phần khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do dông lốc trên địa bàn. Ảnh: TH.
Theo thống kê từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng từ cơn bão số 2, trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Cà Mau ghi nhận nhiều đợt mưa lớn, dông lốc, làm 4 người bị thương, thiệt hại 347 căn nhà (sập 70 căn, tốc mái, hư hỏng 277 căn), nhiều cây xanh, diện tích rừng, trụ điện bị ngã, đổ… Ước tổng thiệt hại gần 9,5 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu địa phương thống kê, phân loại, xác định những nhu cầu bức thiết của người dân để tập trung hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả nhất; trong đó, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các điều kiện cần thiết phục vụ sinh hoạt, ăn, ở của người dân. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu, sót trong hỗ trợ, để bà con rơi vào hoàn cảnh "màn trời chiếu đất"... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hướng dẫn chính quyền địa phương, các chủ rừng nhanh chóng thống kê kịp thời diện tích bị thiệt hại, từ đó sớm hoàn thành các thủ tục cho người dân tận thu. Bởi càng chậm trễ, cây gỗ càng mất chất, ảnh hưởng đến giá bán, gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân...
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày tới. Để khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, Ủy ban nhân dân các tỉnh chủ động chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục hậu quả đợt thiên tai, mưa lớn vừa qua, bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Phước, Kiên Giang.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên, khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn những người bị mất tích, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách đối với các cán bộ, chiến sỹ cảnh sát bị nạn theo quy định; chỉ đạo đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân và rút kinh nghiệm về sự cố sạt lở; kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và các trục giao thông chính trên địa bàn tỉnh.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương, nhất là UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính, đặc biệt là tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và tuyến quốc lộ 20 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, giám sát, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là mưa lũ, sạt lở đất, cung cấp kịp thời thông tin về thời tiết, thiên tai, nguy cơ sạt lở để phục vụ công tác ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập thuỷ lợi, thuỷ điện theo chức năng quản lý nhà nước được giao. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an theo dõi sát tình hình thiên tai, sự cố, chủ động chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai...
PV
Bình luận