Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 18/07/2025 11:07
Thứ năm, 17/07/2025 06:07
TMO - Tỉnh thái Nguyên đang chuyển mạnh từ tư duy phản ứng sang chủ động phòng ngừa thiên tai. Địa phương dần hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng lực lượng tại chỗ và nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ an toàn cho người dân.
Đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ cao như vùng ven sông, khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở, từ đó xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng tình huống.
Hệ thống cảnh báo sớm được nâng cấp, đảm bảo truyền tải kịp thời thông tin đến người dân. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đào tạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành tại chỗ. Công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là ở các khu vực dễ bị tổn thương.
Sự vào cuộc đồng bộ giữa chính quyền, lực lượng chức năng và người dân góp phần từng bước xây dựng nền tảng thích ứng hiệu quả với thiên tai, bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống dân cư và thúc đẩy phát triển trong dài hạn.
Những năm gần đây, điều kiện thời tiết tại Việt Nam chuyển biến theo chiều hướng ngày càng cực đoan, khó lường. Tình trạng mưa lớn trái mùa, nắng nóng kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất… xuất hiện với tần suất và cường độ cao, gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng.
Năm 2024 và nửa đầu năm 2025 được ghi nhận là giai đoạn thời tiết biến động dữ dội, đòi hỏi các địa phương và người dân cần thay đổi cách tiếp cận, chuyển từ đối phó sang chủ động thích ứng với thiên tai.
Tại Thái Nguyên, thời tiết diễn biến bất thường đã để lại những hệ lụy nặng nề trong năm qua. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 5 đợt thiên tai lớn, trong đó đợt mưa lớn kèm bão số 3 khiến 12 người thiệt mạng, 4 người bị thương và tổng thiệt hại ước tính trên 970 tỷ đồng (trên địa bàn Thái Nguyên cũ). Cùng với đó là hàng nghìn héc-ta cây trồng, nhiều căn nhà bị tốc mái, số lượng lớn gia súc, gia cầm bị chết.
Năm 2024, thiên tai gây thiệt hại nặng nề với Thái Nguyên.
Mưa lớn còn gây hư hỏng nhiều tuyến giao thông và hệ thống thủy lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ đầu năm 2025 đến nay, dù chưa xảy ra thiệt hại nghiêm trọng, nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu khi mưa lớn bất chợt tiếp tục diễn ra gây ngập úng cục bộ tại khu vực đô thị và sạt lở đất ở các xã vùng cao.
Không chỉ gia tăng về cường độ và tần suất, thiên tai hiện nay đang trở nên khó lường hơn. Những hiện tượng như lũ quét xuất hiện sau vài giờ mưa lớn, sạt lở đất ngay cả ở khu vực được đánh giá an toàn. Hạn hán xen kẽ với mưa lũ trong cùng một tháng đều là những dấu hiệu cho thấy sự bất thường đang ngày càng rõ nét của thời tiết. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ biến đổi khí hậu toàn cầu, song các yếu tố nội tại như phá rừng, khai thác khoáng sản không được kiểm soát chặt chẽ, xây dựng tự phát, phát triển hạ tầng không theo quy hoạch… cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ thiên tai tại nhiều địa phương.
Trước thực tế đó, công tác phòng, chống thiên tai cần được nâng tầm. Không chỉ là ứng phó bị động mà phải chủ động từ khâu dự báo, cảnh báo, quy hoạch không gian phát triển, tổ chức lại dân cư, cho đến việc xây dựng năng lực thích ứng dài hạn.
Tại Thái Nguyên, chính quyền các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, tỉnh đã ban hành các công điện khẩn, yêu cầu rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; củng cố hệ thống cảnh báo sớm tại các điểm xung yếu; tổ chức các đợt kiểm tra thực tế tại các hồ chứa, đập thủy lợi, cầu tràn dân sinh, chuẩn bị phương án sơ tán dân cư đến nơi an toàn khi cần thiết.
Lực lượng xung kích cấp xã được kiện toàn, tập huấn kỹ năng xử lý tình huống và ứng cứu nhanh. Công tác tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội, tin nhắn SMS, ứng dụng C-ThaiNguyen… cũng được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng tự bảo vệ của người dân.
Lực lượng cứu hộ di tản người dân vùng ngập lụt. (Ảnh: PTTHTN).
Dù vậy, thực tế cho thấy, hạ tầng phòng, chống thiên tai tại Thái Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều công trình thủy lợi nhỏ lẻ, manh mún; một số khu dân cư vẫn nằm sát sườn núi, ven sông suối, chưa được di dời. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho các dự án nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa tương xứng với mức độ rủi ro ngày càng cao. Về lâu dài, địa phương cần một chiến lược đồng bộ để nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước hết, cần tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm theo hướng chính xác, kịp thời, dễ tiếp cận; hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý rủi ro thiên tai, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.vBên cạnh đó, cần đầu tư mạnh hơn cho các công trình hạ tầng trọng yếu, xây dựng hệ thống đê điều, hồ chứa, kè chống sạt lở đồng bộ và bền vững; thúc đẩy các mô hình sinh kế thích ứng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu mới.
Về phía người dân, điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức từ tâm lý bị động sang chủ động học cách phòng tránh, nâng cao năng lực tự ứng cứu và xây dựng cộng đồng an toàn.
Hiện nay biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động không nhỏ với Việt Nam, theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, riêng năm 2024, cả nước xảy ra hàng trăm đợt thiên tai lớn nhỏ, trong đó có 39 trận lũ quét và sạt lở đất tại 32 tỉnh, thành phố, khiến 514 người chết hoặc mất tích, hơn 2.200 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 88 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, bão số 3 (tháng 9-2024) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ. Thiên tai không chỉ gây tổn thất nặng nề về người và tài sản mà còn tác động lâu dài đến hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu người dân. Từ đầu năm 2025 đến nay, dù chưa có cơn bão nào đổ bộ trực tiếp vào đất liền, song các đợt mưa lớn diện rộng vẫn xuất hiện dồn dập, đặc biệt ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Trong tháng 6 và 7-2025, khu vực này ghi nhận nhiều đợt mưa lớn với lượng mưa phổ biến từ 70-150mm, có nơi vượt ngưỡng 300mm, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Những nỗ lực siết chặt và chủ động trong công tác phòng ngừa rủi ro thiên nhiên cho thấy quyết tâm của Thái Nguyên trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thay vì chỉ phản ứng khi sự cố xảy ra, địa phương đã chuyển hướng sang tư duy quản lý rủi ro tổng hợp, từ khâu dự báo, cảnh báo đến chuẩn bị nguồn lực và huy động cộng đồng tham gia.
Địa phương cũng chú trọng việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong dự báo, cảnh báo thiên tai. Cách tiếp cận này không chỉ giúp nâng cao khả năng chống chịu của hạ tầng và người dân, mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.
Ngọc Huyền
Bình luận