Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 10:01
Thứ tư, 22/02/2023 04:02
TMO - Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện văn bản pháp lý phục vụ vận hành, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; nâng cấp nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin với các yêu cầu kỹ thuật đảm bảo quản lý, kết nối, liên thông, chia sẻ và khai thác sử dụng dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ rõ những mục tiêu cụ thể cần đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới. Theo đó, 100% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hóa, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên.
Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; từ 50% công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn của ngành hoàn toàn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó đến 80% công tác giám sát, dự báo, cảnh báo về TNMT dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu lớn theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định…
Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thiện cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu TN&MT trên không gian mạng, liên tục cập nhật với sự tham gia, đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho thực hiện dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp, làm nền tảng phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
Ngành TN&MT tỉnh phấn đấu hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ vận hành, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Địa phương này đặt mục tiêu 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc trên công nghệ số, thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 90% sử dụng công nghệ IoT; cơ bản công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ, giám sát, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường hoàn toàn trên cơ sở phân tích, xử lý dữ liệu lớn bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời; từ 70% hoạt động thanh tra, kiểm tra của ngành được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; 100% người làm việc trong ngành được đào tạo về kỹ năng số đáp ứng yêu cầu triển khai vận hành Chính phủ số.
Thời gian tới, tỉnh Bình Dương thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đối với lĩnh vực đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám: Địa phương này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý về đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám. Xây dựng giải pháp, nền tảng công nghệ số phục vụ quản lý, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, nắm bắt các chính sách về đất đai, đo đạc bản đồ và viễn thám.
Xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý thông tin cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo theo đúng quy định. Xây dựng hệ thống phân tích, dự báo trực quan hóa dữ liệu thông tin đất đai sử dụng công nghệ 4.0, phân lớp dữ liệu theo các chỉ tiêu quan trọng, hiển thị trực quan hóa dữ liệu từ đó hỗ trợ phân tích đánh giá tình hình biến động đất đai kết hợp với dự báo thông tin thị trường.
Đối với lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hâu, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT, các ngành chức năng xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, CSDL đa dạng sinh học và CSDL quan trắc TN&MT, hình thành CSDL thống nhất trên toàn tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong công tác quản lý đối với lĩnh vực TN&MT. Đổi mới công tác quản lý môi trường thông qua hệ thống quan trắc tự động, thông tin vạn vật. Ngoài ra, trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn cần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào giải quyết trong các lĩnh vực tài nguyên trên. Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thống nhất toàn tỉnh, kết nối liên thông và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Sở TN&MT là cơ quan đầu mối có trách nhiệm phối hợp cùng với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch; phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ; thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ, xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tin học hóa nghiệp vụ chuyên môn ngành TN&MT...
Minh Thu
Bình luận