Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ năm, 13/06/2024 14:06
TMO - Trong điều kiện thời tiết khô hạn, các công nghệ tưới nước tiết kiệm đã giúp người dân tỉnh Quảng Bình bảo vệ được cây trồng, tránh khô héo, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, từ đó hướng tới phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đẩy mạnh xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại thu nhập cao cho nông dân là bước đi đúng hướng của tỉnh Quảng Bình. Trước những hiệu quả từ những mô hình công nghệ cao mang lại, người dân tỉnh Quảng Bình đã chú trọng áp dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp của mình, đặc biệt là công nghệ tưới nưới tiên tiến.
Theo số liệu thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2.852ha diện tích cây trồng cạn được áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm (TTK). Việc ứng dụng công nghệ TTK đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tạo ra sự chuyển biến, hiệu ứng tích cực trong tư duy, nhận thức và phương pháp tổ chức sản xuất của các hộ cũng như các cấp chính quyền đối với việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Cũng trong năm 2023, đã có hơn 190ha cây trồng cạn, cây dược liệu, cây ăn quả, hồ tiêu… áp dụng các biện pháp tưới thông minh. Hiện tại, toàn tỉnh có gần 100 mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, TTK trên các loại cây trồng, như cam, ổi, na, mít, măng tây, chà là, hương thảo…Các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, các mô hình công nghệ cao trông nông nghiệp được người dân chú trọng.
Tiêu biểu như công nghệ tưới nước tiết kiệm cho vườn tiêu của một hộ gia đình tại xã Tây Trạch vừa giúp tiết kiệm nước vừa giúp tiết kiệm chi phí, sức lao động của con người. Chỉ cần một động tác vặn khóa là người dân có thể tiến hành tưới cho cả vườn cây.
Với hệ thống béc tưới phun sương theo công nghệ Israel, trên diện tích 1ha tiêu, người dân đã đầu tư lắp hệ thống phun sương trị giá gần 100 triệu đồng. Nếu trước đây phải mất vài ngày để tưới 1ha tiêu nhưng nay chỉ cần vài tiếng đồng hồ là đã tưới xong. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, người dân có thể chủ động trong việc tưới nước, hạ nhiệt cho cây, từ đó năng suất cây trồng cũng được nâng cao.
Công nghệ tưới nước tiết kiệm giúp người dân tỉnh Quảng Bình “vượt qua” giai đoạn khô hạn, thiếu nước, đảm bảo năng suất cho cây trồng. (Ảnh minh hoạ).
Không chỉ huyện Bố Trạch, các mô hình tưới nước tiết kiệm, ứng dụng công nghệ cao cũng được người dân huyện Lệ Thuỷ đẩy mạnh áp dụng. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành nhiều mô hình tưới nhỏ giọt trên cây trồng được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh quảng Bình, một số hộ gia đình tại thôn Hương Thi, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích trồng cam.
Từ khi lắp hệ thống tưới nhỏ giọt thì chỉ cần khởi động máy, nước sẽ tỏa đều đến từng gốc cam trong cả khu vườn bằng đường ống dẫn và có thể tưới bất kỳ thời gian nào trong ngày. Nhờ có lượng nước thường xuyên cung cấp đủ ẩm nên phân bón dễ hòa tan và thấm từ từ làm dinh dưỡng cho cây. Việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho cây cam đã khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu hụt nước tưới vào mùa khô.
Trước hiệu quả của mô hình tưới nước nhỏ giọt, người dân đã tiếp tục nhân rộng diện tích cây trồng áp dụng phương pháp tưới này, giúp năng suất và chất lượng cây trồng ngày càng được nâng cao. Với diện tích khoảng 2,5ha cam, bưởi, thanh long các loại, mỗi năm sẽ thu bán hơn 11 tấn cam, bưởi các loại, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp là xu thế tất yếu, trong đó TTK là một trong những công nghệ cho thấy những ưu điểm vượt trội. Phát huy những kết quả đạt được, để hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, toàn tỉnh Quảng Bình phấn đấu giai đoạn 2020-2025 xây dựng từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương tiềm năng, như khu vực Tây Bắc thành phố Đồng Hới, Tây Nam huyện Bố Trạch...
Phấn đấu đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố, thị xã đều có các cơ sở nông nghiệp công nghệ cao (khoảng 56 cơ sở). Trong đó trồng trọt có 32 cơ sở, chăn nuôi 08 cơ sở, thủy sản 07 cơ sở và lâm nghiệp 04 cơ sở. Phấn đấu có khoảng 30 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Tổng dự toán kinh phí thực hiện là hơn 20,1 tỷ đồng.
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình phấn đấu diện tích ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt đạt ít nhất trên 550 ha. Đối với chăn nuôi, sẽ tập trung hình thành các tổ hợp tác sản xuất theo hình thức khép kín với khoảng 10 hộ, tổ hợp tác và 35 trang trại, 2-3 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Trong lĩnh vực thủy sản phấn đấu có ít nhất trên 40 ha nuôi cá nước ngọt, 50 ha nuôi tôm trên cát, 30 ha nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính ở TP. Đồng Hới, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh…
Ánh Nguyệt
Bình luận