Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 11/11/2024 05:11
TMO - Chuyển đổi số được xác định là động lực quan trọng để phát triển trong mọi lĩnh vực bao gồm cả ngành tài nguyên môi trường. Để triển khai chuyển đổi số, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cán bộ chuyên trách trong quá trình quản lý, vận hành.
Trong những năm qua, chuyển đổi số đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương tích cực đẩy mạnh, và đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác quản lý của các cơ quan nhà nước cũng như mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.
Ngành TN&MT là một ngành có chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên; địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ;... Vì thế, nếu muốn phát triển, việc ứng dụng khoa học công nghệ và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo là điều cần chú trọng. Thực hiện chuyển đổi số ngành TN&MT, từ năm 2009 đến nay, Sở TN&MT (Lạng Sơn) đã đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành gồm: CSDL đất đai, CSDL tài nguyên nước, khoáng sản, CSDL môi trường…
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nên việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đất đai, TN&MT đã nhanh gọn hơn. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết, trả kết quả chậm, muộn của Sở TN&MT chiếm 4,9% thì hơn 9 tháng đầu năm 2024, Sở TN&MT đã giải quyết 24.028 hồ sơ TTHC; trong đó tỷ lệ hồ sơ trả kết quả chậm muộn giảm còn 3,2%.
Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Lạng Sơn, Sở TN&MT cho biết, xác định đất đai là lĩnh vực quan trọng và phức tạp cần tăng cường công tác quản lý, từ năm 2009, VPĐKĐĐ tỉnh đã tham mưu Sở TN&MT đầu tư xây dựng CSDL về đất đai.
Theo đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 115 ngày 16/1/2009 phê duyệt dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và CSDL quản lý đất đai tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện dự án, từ năm 2009 đến năm 2014, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 6 thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn 165/226 xã, phường, thị trấn của tỉnh (tính theo đơn vị hành chính chưa sáp nhập).
Đến nay, 6/6 thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính theo dự án tổng thể đều đã thi công hoàn thành. Ngoài ra, từ năm 2016, Sở TN&MT triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và CSDL đất đai tại thành phố Lạng Sơn và 4 huyện Cao Lộc, Tràng Định, Bình Gia, Lộc Bình”. Dự án hoàn thành từ tháng 6/2023; các CSDL trên được kết nối, liên thông với trục liên thông tích hợp dữ liệu của Bộ TN&MT để chia sẻ dữ liệu đất đai của tỉnh với CSDL quốc gia.
Lãnh đạo Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lộc Bình cho biết, toàn huyện hiện đã được đơn vị thi công hoàn thành xây dựng CSDL địa chính, CSDL giá đất được trên 450.000 thửa đất; xây dựng CSDL thống kê, kiểm kê được 21 xã, thị trấn và hoàn thành CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện.
Cán bộ Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến. (Ảnh minh hoạ).
Hệ thống CSDL đất đai được xây dựng, vận hành đã giúp công tác tra cứu thông tin, dữ liệu để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân được nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đối với CSDL tài nguyên nước, khoáng sản, Sở TN&MT triển khai xây dựng từ năm 2019 và hoàn thành đưa vào vận hành từ năm 2022.
Dự án đã xây dựng hệ thống phần mềm và tạo lập CSDL tài nguyên nước, khoáng sản trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước được hiệu quả, đồng bộ. Cùng với đó, từ năm 2020, Sở TN&MT xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu quan trắc tự động (Envisoft) thu nhận dữ liệu đối với 4 trạm quan trắc tự động, liên tục cố định. Đồng thời, sở thực hiện theo dõi và quản lý dữ liệu tại 10 trạm quan trắc tự động của 5 doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện hệ thống được kết nối, truyền số liệu từ các trạm quan trắc về trạm trung tâm, sau đó truyền về Bộ TN&MT. Ngoài ra, từ năm 2021, Sở TN&MT xây dựng phần mềm kho tư liệu TN&MT và đã hoàn thành đưa vào vận hành từ quý III năm 2023.
Qua đó, giúp công tác bảo quản tài liệu lâu dài và cung cấp thông tin tư liệu thuận tiện, kịp thời, chính xác; tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung CSDL của ngành tài nguyên, môi trường. Hiện Sở TN&MT cũng đang đầu tư xây dựng CSDL môi trường; dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2024.
Việc xây dựng CSDL chuyên ngành là yêu cầu cơ bản để xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, giúp cho việc khai thác, cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, môi trường được thống nhất từ trung ương đến địa phương. Cùng đó, đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu được nhanh gọn, chính xác.
Qua đó, góp phần minh bạch hóa, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả, đến nay Sở TN&MT đã tích hợp lên hệ thống CSDL địa chính của 1.184.803 thửa đất. Toàn tỉnh hiện có 167/200 xã, phường, thị trấn (tính theo đơn vị hành chính sau sáp nhập) đang vận hành, khai thác CSDL địa chính và CSDL đất đai. Trong đó, có 66 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện: Cao Lộc, Lộc Bình, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn (4 xã, phường) đã xây dựng hoàn thiện CSDL đất đai gồm đầy đủ các thành phần: CSDL địa chính; CSDL giá đất; CSDL thống kê, kiểm kê đất đai; CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; 101 xã, thị trấn trên địa bàn 7 huyện còn lại đã được xây dựng CSDL địa chính. Đối với CSDL tài nguyên nước, khoáng sản phần mềm đã được kết nối với trục liên thông của tỉnh để sẵn sàng chia sẻ cho các ngành khi có nhu cầu khai thác.
Riêng CSDL môi trường, hiện đơn vị thi công đã xây dựng và ban hành khung kiến trúc đối với hạng mục phần mềm. Việc đầu tư hệ thống các CSDL chuyên ngành TN&M đã tạo thuận lợi cho cán bộ chuyên môn trong tra cứu, xác minh thông tin, đẩy nhanh tiến độ giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.
Việc xử lý TTHC liên quan đến lĩnh vực đất đai của tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chuyển biến tích cực. (Ảnh minh hoạ).
Theo chia sẻ của một số người dân cho biết, thủ tục giải quyết liên quan đến lĩnh vực đất đai đã trở nên nhanh gọn. Với mục đích chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở, người dân chỉ cần đến UBND xã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ chuyên môn đã tiến hành xử lý, tra cứu thông tin lịch sử thửa đất trên CSDL đất đai để giải quyết kịp thời, nhanh chóng hồ sơ TTHC. Nhờ việc tra cứu, xác minh thông tin thuận lợi nên hồ sơ của người dân được cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng, đúng thời gian quy định.
Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường quản lý, vận hành hệ thống CSDL đất đai, CSDL địa chính đối với các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành đưa vào khai thác, bảo đảm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Đồng thời đề xuất UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch thuê phần mềm, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ quản lý, vận hành, khai thác CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo. Sở TN&MT tiếp tục duy trì, vận hành và thường xuyên cập nhật chỉnh lý biến động đối với CSDL tài nguyên nước, khoáng sản; nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để nâng cấp phần mềm đáp ứng kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công, từ đó giúp cho việc chỉnh lý biến động được thực hiện song song với quá trình giải quyết hồ sơ TTHC.
Ngoài ra, Sở TN&MT tiếp tục đôn đốc các đơn vị thực hiện dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng, kiểm tra nghiệm thu, sớm đưa phần mềm quản lý CSDL môi trường vào vận hành... Qua đó, giúp quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Để đạt được các mục tiêu trên, trước mắt, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là ngành TN&MT cần tiếp tục huy động nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ hệ thống CSDL ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao năng lực hoạt động, từng bước hình thành mạng lưới dữ liệu, thông tin hiện đại.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho hệ thống CSDL đất đai; tăng cường đào tạo đảm bảo về số lượng và chất lượng cán bộ, viên chức trong các đơn vị, để bắt nhịp với yêu cầu chuyển đổi số của ngành TN&MT…/.
Thu Thảo
Bình luận