Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ hai, 09/01/2023 07:01
TMO - Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thời gian qua Sở Công Thương tỉnh Bình Định tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong giao thương; góp phần nâng cao nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm 2022 Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và nâng cấp các website nhằm hỗ trợ cho công tác xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại trên nền tảng số, trong đó đáng chú ý là đưa website Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định vào vận hành (địa chỉ website: bandohangvietbinhdinh.vn) nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp thông tin cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Hệ thống bản đồ phân phối giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm được những vị trí, địa điểm phù hợp chuỗi cửa hàng tiếp theo của mình, sắp xếp vị trí các chuỗi cửa hàng hợp lý, giúp doanh nghiệp đánh giá sức mua và cơ hội bán hàng. Doanh nghiệp có thể kết hợp với việc khảo sát khách hàng và nhân khẩu học để phân tích, dự báo thị trường tiềm năng, phân loại khách hàng theo lối sống phù hợp với từng loại hàng hóa, đánh giá sức mua và cơ hội bán hàng, hình dung mức độ thâm nhập thị trường, thị phần trong khu vực. Bản đồ còn có tính năng định vị và chia sẻ chính xác các vị trí cửa hàng gần nhất, qua đó giúp người dùng tiết kiệm thời gian tìm cửa hàng, hạn chế việc ra đường (tính năng này đặc biệt hữu ích nếu trong thời gian xảy ra dịch bệnh).
Bản đồ trực tuyến hệ thống phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh Bình Định vào vận hành. Ảnh: HT
Bên cạnh đó website thương mại điện tử kết nối giao thương giữa Bình Định và các tỉnh phía Nam nước Lào (VietLao.vn) cũng được nâng cấp. Website là cầu nối để doanh nghiệp của tỉnh Bình Định và doanh nghiệp các tỉnh Nam Lào thực hiện công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thương hiệu có thế mạnh đến các địa phương. Trên website có xây dựng chương trình triển lãm trực tuyến với hình thức tổ chức các Gian hàng triển lãm trực tuyến sản phẩm của tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào tại địa chỉ trienlamtructuyen.vietlao.vn.
Trong năm 2022, Sở Công Thương còn phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng website TMĐT; hỗ trợ 15 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm; hỗ trợ 10 doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử lớn của thế giới.
Hỗ trợ xây dựng, sử dụng chương trình tối ưu hóa hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp thông qua các công cụ e-business cụ thể là phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý khách hàng (CRM) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu về khách hàng một cách liên tục; hỗ trợ thực hiện gắn nhãn tín nhiệm Safeweb bảo đảm bảo vệ thông tin cá nhân theo thông lệ quốc tế hỗ trợ khách hàng yên tâm khi giao dịch với website của 05 doanh nghiệp.
Cùng với việc quảng bá hàng hóa tại các sự kiện, Sở Công Thương tỉnh Bình Định hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử.
Tại Kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Định hướng tới mục tiêu phát triển lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 quy mô thị trường thương mại điện tử có khoảng 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa giao dịch trên môi trường trực tuyến đạt 100 USD/người/năm vào năm 2025. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 50%; Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử...
Thời gian tới, địa phương này sẽ đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại địa phương thông qua hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử (hỗ trợ cho khoảng 50 doanh nghiệp thực hiện chương trình này).
Lê Hồng
Bình luận