Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ ba, 09/05/2023 04:05
TMO - Tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững; chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long về kết quả triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, các dự án tập trung xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ cây con giống lấy từ cơ sở sản xuất nhân giống có uy tín, đảm bảo chất lượng, tập huấn kỹ thuật về biện pháp giảm giá thành sản phẩm, giảm phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình canh tác đồng nhất tạo sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, GAP, hiệu quả kinh tế cao gắn sản xuất và tiêu thụ để người dân học tập, áp dụng, nhân rộng.
Tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện 09 dự án (05 trồng trọt và 04 chăn nuôi và thủy sản). Các dự án tập trung xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, hỗ trợ cây con giống lấy từ cơ sở sản xuất nhân giống có uy tín, đảm bảo chất lượng, tập huấn kỹ thuật về biện pháp giảm phát thải khí nhà kính (sử dụng loại phân bón thông minh, giảm thất thoát; ủ phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi; quản lý tốt nguồn nước cấp, nước xả thải trong nuôi trồng thủy sản…), áp dụng quy trình canh tác đồng nhất (1 phải 5 giảm, ba giảm ba tăng, quản lý nước ngập khô xen kẽ, quản lý tổng hợp sâu bệnh IPM…) tạo sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn, GAP (VietGAP/Global GAP), hiệu quả kinh tế cao gắn sản xuất và tiêu thụ để người dân học tập, áp dụng, nhân rộng.
Về cây lúa, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ thực hiện 200 ha mô hình trình diễn lúa biến đổi khí hậu; 43 ha mô hình ứng dụng công nghệ sạ khóm, hỗ trợ 01 máy sạ khóm nhập khẩu từ Hàn Quốc, công suất hoạt động của máy 7-8 ha/ngày. Mô hình thực hiện tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân, Long Hồ. Hiệu quả năng suất lúa đạt 5,7-6,0 tấn/ha (vụ Thu Đông), cao hơn ngoài mô hình 0,2-0,5 tấn/ha. Lợi nhuận 13-15 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 20-30%. Hiện tại, tỉnh có 01 hợp tác xã lúa đã chuyển đổi thành công từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang canh tác nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ Theo tiêu chuẩn quốc tế do tổ chức chứng nhận hữu cơ Control Union cấp, sản phẩm đã đáp ứng tiêu chuẩn USDA của Mỹ, EU Organic của Châu Âu gắn với truy xuất nguồn gốc, có đầu ra ổn định với diện tích đạt chứng nhận 30 ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, hỗ trợ con giống và thức ăn chăn nuôi đã xây dựng 28 điểm mô hình nuôi lươn không bùn an toàn thực phẩm (đã hỗ trợ 35.000 con giống, 6.720 kg thức ăn) có liên kết tiêu thụ; 300 con heo hậu bị chất lượng cao (đã hỗ trợ heo đực giống khai thác tinh 04 con, heo cái giống 296 con); 10 mô hình với 118 con bò sinh sản có chất lượng cao (trung bình >10 tháng tuổi, trọng lượng >180 kg/con) theo hình thức nuôi an toàn sinh học; hỗ trợ thành lập 5 tổ hợp tác với 41 hộ tham gia liên kết tiêu thụ chuỗi trứng vịt….
Nông nghiệp công nghệ cao đang được triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh còn phối hợp triển khai 07 hệ thống điểm với diện tích 2,45 ha ứng dụng công nghệ tưới thông minh tiết kiệm; 45 mô hình với 7,75 ha ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trong canh tác cây ăn trái, hoa kiểng, dưa leo, khổ qua, bầu bí, củ cải trắng, xà lách xoong, rau diếp cá và rau màu các loại tại các huyện Tam Bình, Mang Thít, Long Hồ và thị xã Bình Minh.
Các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn triển khai mô hình nuôi gà trên nền đệm lót sinh học, trồng lan cắt cành gắn với hệ thống tưới phun, mô hình phun khoáng quản lý dịch hại trên lúa, trồng nấm rơm trong nhà, trồng thanh long vàng trên chậu theo hướng hữu cơ, trồng rau trong nhà lưới kết hợp với hệ thống tưới phun…
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm ngày càng được quan tâm thực hiện, góp phần quảng bá và tiêu thụ sản phẩm địa phương hiệu quả, nhanh chóng. Trong năm, Sở Công thương đã hỗ trợ các sản phẩm nông sản thuộc chương trình OCOP và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của ngành Công Thương tỉnh.
Tiếp tục duy trì và nâng cấp hoạt động của sàn giao dịch nông sản thông qua: cập nhật 111 thông tin với các nội dung tin tức nông sản, diễn biến thị trường các mặt hàng nông sản, xúc tiến thương mại...; đã tạo 02 module mới có tiêu đề “Thông tin nông dân tiêu thụ nông sản xã Nông thôn mới” và “Sản phẩm OCOP”; hàng tuần (thứ 2, thứ 6) cung cấp diễn biến giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực qua hệ thống SMS, Zalo đã gửi trên 57.600 tin nhắn đến 200 thành viên; tuyên truyền,…; kết nối và tiêu thụ nông sản cho 13 HTX nông nghiệp với tổng sản lượng tiêu thụ 1.869,5 tấn nông sản…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả; chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây.
Về phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HÐND về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh với bảy chính sách trọng tâm. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất, hỗ trợ điều kiện cần về cơ sở vật chất, phần cứng tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Nhóm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc là điều kiện đủ để góp phần tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, uy tín, nâng cao giá trị nông sản, phục vụ xuất khẩu...
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; hoàn thành xây dựng công cụ, phần mềm phục vụ thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Hoàn thành thiết lập hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; 100% cán bộ thuộc hệ thống mạng lưới được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống; thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản được thu thập thường xuyên phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.
Định hướng đến năm 2030, ứng dụng hiệu quả các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật…) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản; Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã có thể tìm kiếm, khai thác, sử dụng các thông tin, dữ liệu phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản (trừ dữ liệu mật) trên môi trường mạng Internet hoặc Cổng cung cấp dữ liệu mở của ngành, quốc gia; phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động thu thập thông tin, phân tích và dự báo thị trường nông sản...
Hà Trang
Bình luận