Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 29/11/2024 05:11
Thứ năm, 06/01/2022 14:01
TMO - Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục tăng cao. Do đó, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp tăng cường quản lý chất lượng nông sản thực phẩm trên thị trường thông qua việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tại huyện Chương Mỹ, các hộ sản xuất thuộc diện quy hoạch bưởi Núi Bé đã sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc nông sản. Năm nay, trên địa bàn huyện dự kiến thu hoạch khoảng 70.000 quả. Lượng bưởi diễn ở các địa phương đưa ra thị trường rất lớn, nhưng nhờ vào chất lượng và có mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên bưởi diễn tại huyện Chương Mỹ vẫn tiêu thụ ổn định tại hệ thống bán lẻ với giá 20.000-25.000 đồng/quả.
Nói về việc duy trì, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát cho biết: Hệ thống đã hỗ trợ, hướng dẫn, cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.109 cơ sở là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói…
Ảnh minh
Đồng thời, hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và 238 doanh nghiệp ở 41 tỉnh, thành phố với 10.952 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp đủ tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống. Việc làm này góp phần quan trọng để các cơ quan chức năng nắm rõ số lượng các đơn vị cung ứng nông sản cho Hà Nội và giám sát chất lượng, nguồn gốc trên thị trường.
An toàn nông sản, thực phẩm là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Thông tin thêm về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin, từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, để bảo đảm nguồn cung sản phẩm an toàn cho thị trường Hà Nội, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản, xử lý những trường hợp trà trộn sản phẩm không rõ nguồn gốc bán ra thị trường theo quy định; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QRcode cho các nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu với thành phố tiếp tục quan tâm, mở rộng, phát triển tiến tới hoàn thiện, nâng cấp hệ thống bảo đảm kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia; triển khai thí điểm hỗ trợ liên kết, hợp tác trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm có ứng dụng công nghệ quản lý lưu thông sản phẩm. Từ đó tạo giá trị kinh tế cao hơn cho chuỗi giá trị nông sản được kiểm soát.
Việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến cũng như xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Hà Nội và các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất an toàn tập trung quy mô lớn, hỗ trợ các hợp tác xã về thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa để không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.
Nguyễn Ngọc
Bình luận