Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ hai, 19/02/2024 14:02
TMO - Công tác bảo vệ môi trường luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền ở Tây Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn.
Tây Ninh cũng là tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2022, Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường (PEPI) của tỉnh Tây Ninh đạt giá trị 65,08, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành, trong đó Chỉ số nhóm I PEPI (nhóm các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT) đạt giá trị 46,5, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành, chỉ số nhóm 2 PEPI (Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống) đạt giá trị 18,57, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số đạt kết quả thấp bao gồm: Chỉ số thành phần tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường năm 2022: đạt 0,9%, đứng thứ 46/63; Chỉ số thành phần tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn năm 2022: đạt 0%; Chỉ số thành phần tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung năm 2022: đạt 33,29%, đứng thứ 63/63; Chỉ số thành phần tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT năm 2022: đạt 50,45%, đứng thứ 40/63; Chỉ số thành phần tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp BVMT năm 2022: đạt 0,97%, đứng thứ 46/63 tỉnh, thành.
Trong năm 2024, tỉnh Tây Ninh tập trung nhiều giải pháp cải thiện Bộ Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh. Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là công cụ đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Căn cứ kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, có giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường cho các năm tiếp theo.
Đẩy mạnh quan trắc, kiểm soát chất lượng nguồn nước thải tại các khu, cụm công nghiệp được ngành chức năng tỉnh tập trung triển khai.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi trách nhiệm quản lý quán triệt, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; lồng ghép bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Địa phương này không cho phép đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu, nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm; tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Tỉnh khuyến khích phát triển du lịch dịch vụ theo hướng sinh thái, phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, văn minh, lành mạnh cho người dân.
Sở Xây dựng phối hợp đơn vị liên quan và địa phương kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải, bảo đảm tại khu đô thị có hệ thống thu gom, xử lý triệt để nước thải. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo, mở rộng, đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, hệ thống thu gom nước thải tại đô thị trên địa bàn tỉnh theo quy định, phụ trách cải thiện Chỉ số 01 (tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường), Chỉ số 15 (tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung).
Sở Giao thông Vận tải phụ trách cải thiện Chỉ số 07 (số lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị (xe/10.000 người). Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giải pháp cải thiện Chỉ số 16 (tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh); trong đó, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, cơ chế, chính sách về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh nông thôn nhằm thay đổi hành vi thói quen sử dụng nước của người dân, đảm bảo vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh cá nhân...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung giải pháp cải thiện Chỉ số 19 (tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch phát triển rừng). Sở Công Thương phối hợp đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp năng lượng thân thiện môi trường, phát triển đồng bộ và đa dạng hóa các loại hình năng lượng nhằm khai thác, sử dụng triệt để lợi thế của tỉnh về nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch hiệu quả, bền vững, đồng thời phụ trách cải thiện Chỉ số 21 (sản lượng điện từ năng lượng tái tạo).
Các địa phương đẩy mạnh công tác thu gom rác thải, bảo vệ cảnh quan môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp sở, ban, ngành và địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, cải thiện kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của tỉnh trong các năm tiếp theo; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng cùng tham gia bảo vệ môi trường, thực hiện tốt việc phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn tỉnh...
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cân đối, bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường được phân bổ hàng năm tiếp tục duy trì mô hình camera giám sát tại các điểm nóng môi trường trên địa bàn quản lý giám sát, quản lý và xử lý hành vi xả rác, nước thải, không để phát sinh mới điểm nóng, cơ sở gây ô nhiễm môi trường; nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường thông qua hoạt động ra quân vệ sinh môi trường; huy động toàn dân thu gom, xử lý rác thải, phân loại chất thải rắn tại nguồn và hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý...
Ngoài ra, địa phương này phân chia 3 vùng để bảo vệ môi trường tỉnh Tây Ninh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Cụ thể, vùng bảo vệ nghiêm ngặt: Gồm các khu dân cư tập trung ở đô thị (khu vực nội thành, nội thị) của các đô thị loại II, loại III trên địa bàn tỉnh, bao gồm các phường thuộc thành phố Tây Ninh (đô thị loại II), các phường thuộc thị xã Hoà Thành và thị xã Trảng Bàng (đô thị loại III).
Cùng với đó, nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt: Vùng nước mặt cần bảo vệ hồ Dầu Tiếng; khu bảo tồn, cũng là di sản thiên nhiên theo khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên); các khu bảo vệ cảnh quan gồm núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu), Căn cứ Đồng Rùm (xã Tân Thành, huyện Tân Châu), Căn cứ Huyện uỷ Châu Thành (huyện Châu Thành); các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đã được công nhận.
Vùng hạn chế phát thải: các vùng đệm của các khu bảo tồn (Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen); vùng đất ngập nước quan trọng hồ Dầu Tiếng; hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu dân cư tập trung là nội thành, nội thị của các đô thị được quy hoạch loại IV và V; rừng phòng hộ Dầu Tiếng; khu vui chơi giải trí dưới nước theo quyết định của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Vùng bảo vệ khác: Bao gồm các khu vực còn lại, trong đó đáng chú ý là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề có khả năng gây ô nhiễm cao. Tỉnh Tây Ninh cũng chú trọng bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; nâng cao hiệu quả bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; duy trì bảo tồn và phát triển nguồn gen; sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tây Ninh hướng tới mục tiêu ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của tỉnh.
Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu chủ động phòng ngừa, kiểm soát được các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường; nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
Tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hoá đến giai đoạn sản xuất, phân phối; nâng cao năng lực ứng phó và hình thành ý thức thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư; nâng cao năng lực và khả năng lồng ghép phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tích hợp các yếu tố về biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Tây Ninh tiếp tục chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường và các sự cố môi trường; nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời giải quyết và không để phát sinh các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Thanh Tùng
Bình luận