Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ sáu, 01/04/2022 14:04
TMO - Nhằm nâng cao công tác quản lý chất thải rắn, thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thiện Dự thảo quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với nhiều mục tiêu và giải pháp cụ thể.
Mỗi ngày, TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tỷ lệ tăng khối lượng hằng năm khoảng 6 - 10%; khối lượng rác sinh hoạt bình quân đầu người của thành phố khoảng 0,98kg/người/ngày. Theo kế hoạch đề ra tại đề án quy hoạch nêu trên, 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng.
Bên cạnh đó, 100% chất thải rắn công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh được thu gom và xử lý, trong đó 60% được thu hồi tái sử dụng hoặc tái chế; 100% số khu xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và hợp vệ sinh…
Đồng thời, 60% bùn bể phốt (bùn hầm cầu), bùn thải của hệ thống cấp nước và thoát nước, bùn phát sinh từ các hệ thống xử lý nước thải sản xuất, bùn nạo vét kênh rạch được thu gom và xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường vào năm 2023; tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 100% vào năm 2025.
Thành phố đẩy mạnh thu gom và phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Để hoàn thành các mục tiêu, TP.HCM sẽ tổ chức thực hiện đồng bộ các dự án đầu tư phân loại, thu gom, vận chuyển, trung chuyển với các dự án đầu tư xây dựng các khu, nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn theo quy hoạch được duyệt.
Đồng thời, thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn bằng các giải pháp nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý; xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải rắn sau khi xây dựng xong đảm bảo hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án xử lý chất thải.
Hiện nay, TP.HCM chưa tổ chức được mạng lưới thu gom chất thải tái chế, vì vậy có hơn 80% khối lượng chất thải tái chế đang chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt gây lãng phí tài nguyên, ngân sách và ảnh hưởng đến môi trường. Một phần lượng rác tái chế này được lực lượng ve chai thu gom, mua bán, trao đổi mang tính nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh môi trường và không đáp ứng được các mô hình tái chế lớn.
Vì vậy, việc đẩy nhanh phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý chất thải rắn tại TP.HCM. Tại Dự thảo Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM phấn đấu 60% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn vào năm 2023, tăng dần vào các năm tiếp theo và tiến tới đạt chỉ tiêu 80% vào năm 2025.
Để nâng cao hiệu quả công tác phân loại rác tại nguồn, từ tháng 5/2021, UBND thành phố đã ban hành Quyết định sửa đổi quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố từ 3 loại rác thành 2 loại rác.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2022, 80% người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.
Theo quy định trước đây, người dân phải phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy, nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại. Tuy nhiên, hiện nay, người dân chỉ cần phân loại rác thành 2 nhóm chất thải: nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Dự kiến, tổng vốn đầu tư thực hiện công tác xử lý CTR của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025 là 28.911 tỷ đồng, sử dụng các nguồn vốn: vốn ngân sách Nhà nước; vốn ODA, tài trợ nước ngoài; vốn tín dụng đầu tư; vốn từ các nhà đầu tư trong, ngoài nước; vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.
Quỳnh Nguyễn
Bình luận