Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 16:11
Thứ tư, 11/09/2024 07:09
TMO - Sau hơn 2 năm trùng tu, di tích Hải Vân Quan bắt đầu đưa vào khai thác du lịch kể từ 1/8. Đây là di tích chung, nằm ngay ranh giới 2 địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế.
Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ngay trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa phận giáp ranh 2 địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Di tích này vốn là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân. Các công trình gồm cụm bố phòng quân sự, hệ thống thành lũy, nhà kho, pháo đài thần công…
Dưới thời nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là cửa ải quan trọng, là cửa ngõ vào kinh đô Huế từ phía Nam. Triều Nguyễn đã tập trung lực lượng và vũ khí quy mô ở Hải Vân Quan để trấn giữ. Từ lâu, nơi đây đã được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ngoài nhóm cổng thành sơn phòng, được xây dựng từ thời Minh Mạng, gắn chữ “đệ nhất hùng quan” mà Lê Thánh Tông đã ban đặt cho nơi này, tại đỉnh đèo Hải Vân còn có cả chục lô cốt. Các lô cốt được xây dựng từ thời Pháp, Mỹ, có nhiều hình dạng, quay về các hướng khác nhau để canh phòng, kiểm soát tuyến đường huyết mạch nối liền đất nước.
Cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng khởi động dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Tổng mức đầu tư dự án hơn 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Sau 2 năm trùng tu, phục dựng, đến nay công trình được đưa vào khai thác du lịch kể từ 1/8/2024. Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.Đà Nẵng, công tác quản lý di tích quốc gia Hải Vân Quan được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, trong thời gian chưa bán vé tham quan (từ năm 2024 - 2025), sẽ thành lập Tổ bảo vệ di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND quận Liên Chiểu phối hợp quản lý. Từ năm 2026 bắt đầu đi vào bán vé sẽ do các đơn vị luân phiên quản lý và khai thác di tích.
Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế tăng cường công tác quản lý, khai thác di tích Hải Vân Quan.
Hiện nay, Dự án Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan đã được nghiệm thu. Hai địa phương cũng đã thành lập tổ bảo vệ 8 người với nhân lực một nửa là người Đà Nẵng, nửa còn lại người Huế, chia làm 2 ca trực 24/24 giờ tại Hải Vân Quan. Đồng thời, lắp đặt các biển báo an toàn, hệ thống điện chiếu sáng, lan can ở những vị trí nguy hiểm...Nội dung trưng bày, gắn mã QR thuyết minh trong khu vực di tích đang được hoàn thiện.
Tuy nhiên, di tích Hải Vân quan vẫn còn thiếu một số hạ tầng như: bãi đỗ xe, điểm bán vé, bán hàng lưu niệm, nơi làm việc của hướng dẫn viên và bảo vệ. Tại các lối đi được trang bị thùng rác nhỏ, bảng chỉ dẫn để phục vụ khách tham quan. Đặc biệt, bên trong nhà trú sở đã hoàn thành và treo các bảng hình ảnh, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt - Anh để phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách. Đồng thời thực hiện gắn mã QR tại từng hạng mục để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu công trình của người dân, du khách.
Thời gian tới, hai địa phương sẽ xây dựng một ban quản lý để thực hiện công tác quản lý, khai thác di tích. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động gắn liền với Hải Vân Quan để lan tỏa danh thắng đặc biệt này.
Theo nội dung dự thảo quy chế phối hợp, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp trong các lĩnh vực: Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật; quản lý mặt bằng và không gian di tích Hải Vân Quan; thành lập tổ chức quản lý, bảo vệ di tích. Quản lý hiện vật thuộc di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tuyên truyền, quảng bá; phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch; bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy tại di tích; quản lý trật tự an toàn giao thông; đảm bảo vệ sinh, môi trường; xây dựng các quy định quản lý nhà nước, đề án, kế hoạch…
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) và UBND quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) là hai đơn vị quản lý trực tiếp, hình thức luân phiên 3 năm/ lần. Trong giai đoạn đầu, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tổ chức quản lý khai thác. Giai đoạn luân phiên sẽ thành lập tổ kiểm tra giám sát các hoạt động quản lý và phát huy giá trị di sản Hải Vân Quan. Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể Thao của 2 địa phương làm công tác quảng bá, giới thiệu về di tích. Đồng thời 2 bên phối hợp xây dựng các kế hoạch ngắn và dài hạn về an ninh, an toàn cho du khách, an toàn giao thông. Đề xuất vé tham quan từ 50.000 - 70.000 đồng/vé và dự kiến thời gian khánh thành di tích từ 25 - 30/12 tới đây.
Đức Thắng
Bình luận