Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 25/09/2022 07:09
TMO - Trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, các địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy các giải pháp chủ động ứng phó thông qua chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả nguồn lực quốc tế...
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm 12% diện tích, 19% dân số của cả nước, có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu...
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường; đồng thời, các hoạt đông khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn và nội vùng tiếp tục gia tăng; tình trạng sụt lún đất, xâm thực biện, xói lở bờ sông, bờ biển, thiếu nước, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ tác động tiêu cực đến toàn vùng.
Tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ NN&PTNT phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh câu chuyện thích ứng với biến đổi khí hậu là của cả ĐBSCL chứ không phải riêng lẻ của từng tỉnh nào trong vùng. Khu vực này cần chuyển sang trạng thái, cách tiếp cận tích cực hơn trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đa dạng hóa sinh kế là chìa khóa thích ứng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Đại diện Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra nhiều thách thức mà ĐBSCL đang đối mặt như: Khoảng cách về chính sách và thể chế, nhất là phối hợp hành động ở cấp vùng; dân số già, thu nhập bình quân đầu người thấp từ một số loại cây nông nghiệp như lúa, đòi hỏi chuyển đổi nông nghiệp ở quy mô lớn và sinh kế bền vững; quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ bờ biển, bờ sông, sụt lún đất...
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch phát triển bền vững ĐBSCL, Việt Nam đã nhận được sự đồng hành từ Ngân hàng Thế giới (WB) với nhiều dự án hỗ trợ phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, WB tập trung vào hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trồng rừng ngập mặn ven biển gắn với tạo sinh kế cho người dân.
Hiện tại, WB đã triển khai hỗ trợ nhiều dự án tại ĐBSCL, điển hình như chuyển đổi mô hình sinh kế mùa lũ nâng cao thu nhập cho nông dân tại 4 huyện của tỉnh Đồng Tháp gồm: Tam Nông, Thanh Bình, Hồng Ngự và TP. Hồng Ngự tạo điều kiện sản xuất, lựa chọn được các loại hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu để cho người dân có thêm thu nhập, đảm bảo ổn định và an sinh xã hội trong mùa lũ.
Tại cống kiểm soát, điều tiết mặn, ngọt Vũng Liêm đặt tại lòng sông Vũng Liêm, thuộc huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Công trình này nằm trong tiểu dự án kiểm soát nguồn nước thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL) do WB tài trợ. Cùng với các công trình khác ở địa phương, cống Vũng Liêm góp phần tiêu úng kiểm soát mặn ngọt cho gần 28.500ha đất nông nghiệp và hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân hai tỉnh này.
Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ nâng cấp 470 km bờ bao và xây dựng 192 cống các loại nhằm bảo đảm ổn định sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, bảo vệ 27 km bờ biển, đồng thời rà soát và nâng cấp đai rừng ngập mặn ven biển với tổng chiều dài 50 km.
Xây dựng một trạm trung tâm thu nhận số liệu từ các trạm quan trắc và lắp đặt các thiết bị quan trắc lưu lượng, chất lượng nước, mực nước và độ mặn cho 20 trạm quan trắc nhằm cung cấp số liệu liên tục và cập nhật về các đặc trưng, diễn biến tài nguyên. Đồng thời, tiếp tục phát triển một dự án mới ở đồng bằng sông Cửu Long nhằm hỗ trợ giải quyết các thách thức về quản lý tài nguyên nước và xây dựng sinh kế nông nghiệp trong thời kỳ biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của vùng.
WB công bố cáo “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Chuyển sang trồng lúa carbon thấp sẽ có tiềm năng cao nhất để Việt Nam đạt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí mê-tan vào năm 2030; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng xuất khẩu chiến lược này. Theo báo cáo, lúa gạo, mặt hàng nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam và được trồng trên hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp, chiếm 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê-tan.
Dựa trên những ước tính thận trọng, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp người nông dân quy trì hoặc tăng sản lượng từ 5 đến 10%; đồng thời giảm chi phí đầu vào từ 20-30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng ở mức khoảng 25%. Những kỹ thuật cải tiến này cũng sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%.
Các địa phương vùng ĐBSCL cần giảm tác động tiêu cực lẫn nhau để hướng đến việc phát triển bền vững
Đề cập đến những cải tiến về kỹ thuật, nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển bền vững vùng ĐBSCL, vấn đề then chốt là cần thay đổi tư duy của người dân. Phương cách nông dân sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm không còn phù hợp, phải chuyển sang nông dân có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh việc liên kết vùng giữa 13 tỉnh thành ĐBSCL là rất cần thiết. Ban điều phối vùng ĐBSCL cần xây dựng các cơ chế liên kết cụ thể về nguồn nước, dự báo thị trường, dự án đầu tư… để cùng nhau thích ứng hiệu quả với BĐKH. Ngoài ra, muốn thu hẹp quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dễ gây tác động tiêu cực về môi trường lẫn nhau, các địa phương cần có phương hướng liên kết phát triển theo nhóm ngành hàng chủ lực.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn các địa phương trong vùng phải năng động trong thực hiện quy hoạch tích hợp, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp bằng nhiều giải pháp. Quan trọng nhất là xóa bỏ tư duy sản lượng. Hướng đến cách tiếp cận gia tăng lợi nhuận thông qua các mô hình sinh kế bền vững cho nông dân trồng lúa, giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Trên cơ sở quy hoạch tích hợp vùng đã được Chính phủ phê duyệt, ngành nông nghiệp và các địa phương cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng trong lĩnh vực thủy sản và cây ăn trái, giảm lúa gạo nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực và thu nhập người nông dân.
Thu Trang
Bình luận