Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ năm, 29/12/2022 05:12
TMO - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ của toàn xã hội vì bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội đều là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững gần hơn.
Cụ thể, sự hợp tác giữa các thành phần kinh tế, khu vực công - tư, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương là giải pháp quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã Đây cũng là nền tảng để phát huy hiệu quả việc triển khai các sáng kiến, chiến lược, kế hoạch từ cấp trung ương đến địa phương.
Để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, Việt Nam cần một chiến lược tiếp cận toàn diện để kết nối với các bên thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực truyền thông nâng cao nhận thức đến xây dựng các chương trình phối hợp lâu dài. Từ đó huy động nguồn lực tổng hợp và tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong bảo vệ các loài nguy cấp toàn cầu
Tại Việt Nam dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam” được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới (WB), thực hiện từ năm 2019 - 2022. Dự án gồm 4 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 "Hoàn thiện các quy định chính sách, pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng”. Hợp phần 2 "Tăng cường năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật quốc gia và các cơ quan quản lý bảo tồn để giảm thiểu các mối đe dọa đối với các loài nguy cấp”. Hợp phần 3 "Tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô và thể chế hóa các chiến dịch đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp." Hợp phần 4 "Quản lý, đánh giá, giám sát dự án năm 2019 là năm đầu tiên dự án đi vào hoạt động”.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT, dự án là một sáng kiến để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên. Qua việc triển khai các hợp phần, dự án đã xây dựng và phát triển được diễn đàn quan hệ đối tác về bảo vệ động vật hoang dã như là nền tảng và mạng lưới để kết nối những nỗ lực và thúc đẩy vai trò của các đối tác trong nước và quốc tế. Sau 4 năm hoạt động, dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bao gồm: Đề xuất sửa đổi, xây dựng 7 văn bản chính sách, pháp luật về quản lý, bảo tồn loài; tổ chức thành công 18 khoá tập huấn cho gần 1000 lượt cán bộ quản lý, thực thi pháp luật, các khu bảo tồn và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng quan hệ hợp tác và triển khai hoạt động phối hợp với gần 10 tổ chức đối tác và duy trì mạng lưới chia sẻ thông tin gần 1000 thành viên. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu của gần 400 loài nguy cấp và tổ chức 5 chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức quy mô lớn dưới nhiều hình thức với hơn 50 sản phẩm truyền thông nghe nhìn đa dạng về thể loại.
Thời gian qua, nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp được nâng cao
Trong giai đoạn 2023 – 2030, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài nguy cấp, các đại biểu đề xuất Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật nhằm đảm bảo cách tiếp cận hệ thống trong bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt lồng ghép trong quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế liên quan nhằm giảm tác động đến đa dạng sinh học và thực hiện phát triển bền vững. Đồng thời huy động nguồn lực triển khai Chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, Việt Nam cần một chiến lược tiếp cận toàn diện để kết nối với các bên thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như xây dựng chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức đến xây dựng các chương trình phối hợp lâu dài. Từ đó huy động nguồn lực tổng hợp và tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Thu Hoài
Bình luận