Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 02:01
Thứ sáu, 19/07/2024 08:07
TMO - Để cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo được nhanh chóng, Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi trong việc dự báo, cảnh báo tình hình thời tiết, thiên tai kịp thời.
Nhờ ứng dụng hiệu quả các thành tựu tiến bộ khoa học, thành quả của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, ứng dụng CĐS vào trong các hoạt động, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo, công tác KTTV tỉnh Quảng Bình ngày càng được nâng cao; các bản tin dự báo, cảnh báo ngày càng tin cậy, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Bình.
Với đặc điểm khí hậu, địa hình khá phức tạp, Quảng Bình thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Do vậy, công tác dự báo thông tin, diễn biến thời tiết luôn được chính quyền và người dân quan tâm. Ứng dụng công nghệ mang lại nhiều hiệu quả cho ngành KTTV Quảng Bình.
Nếu trước đây, việc thu thập thông tin và số liệu KTTV gặp nhiều khó khăn. Các thông tin phục vụ công tác dự báo chủ yếu qua radio, số liệu thu qua máy icom và ghi chép vào sổ nhật ký. Hệ thống trạm KTTV trên địa bàn thưa thớt, quan trắc chủ yếu bằng thủ công. Thì hiện nay, nhờ sự phát triển đột phá của khoa học công nghệ đã tạo điều kiện tiếp nhận thông tin rất thuận lợi. Mạng lưới trạm KTTV được lắp đặt nhiều hơn, trang thiết bị được đầu tư hiện đại giúp cho Đài KTTV Quảng Bình làm dự báo nhanh, hiệu quả, chính xác.
Lãnh đạo Đài KTTV Quảng Bình cho biết, thực hiện chủ trương CĐS của Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục KTTV, Đài KTTV Quảng Bình cũng từng bước thực hiện CĐS. Theo đó, các bản tin giờ được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Đơn vị và các trạm trực thuộc đã thực hiện các thao tác ghi số liệu trên máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa các bản tin, số liệu quan trắc KTTV… theo quy định. Để có hiệu quả cao nhất, hàng năm đài KTTV tỉnh Quảng Bình còn xây dựng các phương án dự báo, cảnh báo rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh và các vùng mà đài quản lý.
Ứng dụng công nghệ thông tin được các Trạm Khí tượng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chú trọng. Như Trạm Khí tượng Đồng Hới là trạm Khí tượng hạng 1, phát báo quốc tế với đầy đủ các yếu tố khí tượng, như quan trắc nhiệt độ, thời gian nắng, mưa, độ ẩm không khí… Trước đây, để có các số liệu, cán bộ tại trạm phải thường xuyên ghi chép thông tin theo mẫu quy định khiến việc cung cấp số liệu tới các dự báo viên bị chậm và hạn chế.
Tuy nhiên những năm gần đây, trạm đã được trang bị hệ thống đo đếm khí tượng tự động. Nhờ đó, số liệu quan trắc được cập nhật tức thời, chính xác hơn. Sau khi thu thập số liệu, trạm sẽ mã hóa rồi truyền đi đến các nơi bằng phần mềm chuyên dụng, bảo đảm đầy đủ, chính xác thông tin cho bên dự báo, cảnh báo...
Hiện nay Trạm Khí tượng Đồng Hới đã được trang bị hệ thống đo đếm khí tượng tự động. Ảnh: BQB.
Hay tại Trạm Khí tượng Ba Đồn, đây là là trạm điều tra cơ bản về khí tượng, cụ thể là quan trắc số liệu các yếu tố về nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, gió… Các số liệu, dữ liệu sau khi quan trắc sẽ được trạm truyền về Đài KTTV Quảng Bình, Khu vực Trung Trung bộ và Tổng cục để phục vụ công tác dự báo.
Đại diện Trạm Khí tượng Ba Đồn chia sẻ, ngay từ năm 2010, đơn vị có thêm 1 trạm tự động đặt lồng ghép trong trạm quan trắc để thu thập các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, gió mưa… Ngoài ra, trạm còn theo dõi thời tiết 24/24 giờ để cập nhật tình hình, dự báo cho nhân dân trong khu vực. Nhờ có các trang thiết bị hiện đại nên công việc của các cán bộ, nhân viên đạt hiệu quả cao hơn.
Hiện, toàn tỉnh Quảng Bình có mạng lưới hơn 50 đài, trạm KTTV phục vụ cho công tác dự báo thời tiết, như Trạm KTTV, trạm đo mực nước, lượng mưa tự động và trạm ra-đa biển… Số liệu từ các trạm truyền tự động qua mạng điện thoại di động theo thời gian thực 10 phút/lần và lưu trữ ở máy chủ nên việc trích xuất số liệu dễ dàng, khai thác phục vụ công tác dự báo cũng rất thuận lợi. Bản tin dự báo thời tiết sau khi được Đài KTTV Quảng Bình xuất bản sẽ được cung cấp đến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng qua nền tảng số, như: Email, website, zalo, facebook và các phương tiện truyền thông khác.
Lãnh đạo Đài KTTV Quảng Bình thông tin thêm, các trạm tự động hiện tại đều truyền dữ liệu về thời tiết qua sim, sóng điện thoại về đài 10 phút/lần. Tại Đài KTTV Quảng Bình sẽ có 1 máy chủ thu thập số liệu, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để vẽ, phân tích, tổng hợp nhằm đưa ra các dự báo, cảnh báo kịp thời cho người dân.
Để thúc đẩy ngành KTTV trên cả nước CĐS trong thời đại công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hiện đại hóa ngành KTTV đến năm 2025 và thời kỳ 2026 - 2030”. Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, về công nghệ thông tin và CĐS KTTV, ngành phát triển công nghệ thông tin KTTV bao gồm, hạ tầng số, dữ liệu số và nền tảng số; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và an toàn thông tin. Hoàn thành CĐS lĩnh vực KTTV; số hóa tư liệu giấy KTTV; tăng cường năng lực tính toán chuyên ngành KTTV của hệ thống…
Cùng với ngành KTTV trong nước, Đài KTTV tỉnh Quảng Bình đã từng bước ứng dụng các công nghệ cao và CĐS trong hoạt động quan trắc, thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu và dự báo, cảnh báo KTTV, từ đó, công tác dự báo, cảnh báo của ngành KTTV đã có những chuyển biến rõ rệt cả về lượng và chất.
Hương Ly
Bình luận