Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ năm, 30/03/2023 07:03
TMO - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp đến sự phân bố nguồn nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, dẫn đến tình trạng hạn hán khắc nghiệt trong mùa khô, lũ lụt ngập úng vào mùa mưa. Ngoài ra, nguồn nước bị nhiễm mặn, phèn... là những thách thức trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên này trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, nguồn nước tại tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn nước mặt của 7 lưu vực sông chính (Lòng Sông, Lũy, Cái, Cà Ty, Phan, Dinh, La Ngà), tập trung nhiều ở lưu vực sông Lũy, La Ngà. Tổng chiều dài các sông chính, phụ trên địa bàn tỉnh khoảng 1.977 km. Hiện toàn tỉnh có 48 hồ chứa nước có quy mô lớn, trung bình và nhỏ, các hồ này có chức năng cấp nước nông nghiệp, sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ.
Tính đến năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp được 993 giấy phép tài nguyên nước, trong đó có 08 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; 35 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 698 giấy phép khai thác nước dưới đất; 59 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; 193 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.
Các đơn vị đảm bảo vận hành an toàn, điều tiết nguồn nước hợp nước từ các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian. Mùa khô kéo dài 6-7 tháng với lượng mưa chỉ chiếm 10-15%, mùa mưa có 5-6 tháng nhưng lượng nước chiếm tới 85-90% tổng lượng mưa, điều này dẫn đến hạn hán khắc nghiệt trong mùa khô và lũ lụt ngập úng vào mùa mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Hướng đến mục tiêu khai thác bền vững tài nguyên nướcUBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở TN&MT, các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tập trung quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, đồng thời hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở TN&MT, các Sở, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nguồn nước mặt và nước dưới đất; nghiêm cấm các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước như: xây dựng nhà cửa, công trình... trong hành lang bảo vệ nguồn nước, gây đe dọa, làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước, gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa nước…
Sở tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước để cấp nước nhưng chưa có giấy phép tài nguyên nước nghiêm túc chấp hành việc lập hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định nhằm đảm bảo việc kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước, chất lượng nước, tăng thu ngân sách qua việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tài nguyên nước (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên).
Đồng thời, Sở TN&MT Bình Thuận cũng sẽ rà soát, điều chỉnh mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ cho phù hợp với khả năng nguồn nước; tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn.
Tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh đòi hỏi việc khai thác tiết kiệm, hợp lý, bền vững tài nguyên nước phải được ưu tiên triển khai. Ảnh: TTX.
Các huyện, thị xã nghiêm cấm hoạt động xây dựng, sản xuất, khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, rác thải, xác động vật, tắm giặt trên các sông, suối, kênh, hồ là nguồn nước đầu vào của các nhà máy nước cấp sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh, chất lượng nguồn nước. Đối với khu vực lấy nước mặt phải có biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước, bộ phận chắn rác tại vị trí lấy nước; khu vực khai thác nước dưới đất phải có hàng rào bảo vệ xung quanh các giếng, hạn chế xả thải theo hình thức thấm đất vào khu vực bảo hộ các giếng khai thác.
Việc quy hoạch xây dựng các nhà máy nước ở gần các nguồn nước thô (hồ chứa, sông, suối), tạo thuận tiện lấy nguồn nước thô phục vụ sản xuất nước sinh hoạt, thuận tiện quản lý, bảo vệ vệ sinh nguồn nước. Nhà máy xa nguồn nước thô cần xây dựng các tuyến ống kín cấp nước thô độc lập, tách biệt với hệ thống kênh dẫn phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài ra các công trình lấy nước từ kênh hở, cần phải bê tông hóa các kênh này bằng cách hàng năm đầu tư kiên cố các tuyến kênh chính, ưu tiên nâng cấp, kiên cố tuyến kênh dẫn nước phục vụ sinh hoạt, tăng cường công tác bảo trì hệ thống, hạn chế tối đa thất thoát nguồn nước.
Trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh gồm: 39 sông, suối; 20 hồ chứa thủy lợi; 05 hồ chứa thủy điện; 02 hồ chứa tự nhiên và kế hoạch, thứ tự ưu tiên nguồn nước cần cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân không xâm phạm hành lang bảo vệ công trình, nguồn nước phục vụ sinh hoạt; xử phạt hành vi xâm hại công trình theo quy định pháp luật.
Đối với Phương án Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh đang được tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch năm 2017. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành có khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, như: Điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu; điều chỉnh Quy hoạch cấp nước sinh hoạt đô thị, nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu.
Hà Thu
Bình luận