Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Thứ năm, 08/08/2024 14:08
TMO - Thời gian tới, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) thực hiện kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được thực hiện đồng bộ trên 7 phường của thành phố trong đó ưu tiên tập trung thực hiện tại khu vực đô thị, đông dân cư, khu chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp,...
Theo báo cáo của UBND thành phố Sơn La, hiện nay, rác thải sinh hoạt phát sinh tại 7 phường với khối lượng 55-60 tấn/ngày; 5 xã với khối lượng 15-19 tấn/ngày. Toàn thành phố có 174 điểm đặt xe gom rác đẩy tay; 2 trạm trung chuyển; 285 xe thu gom đẩy tay, 11 xe vận chuyển rác. Các nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đến từ hộ gia đình, khu thương mại, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, siêu thị, chợ…); công sở (cơ quan, trường học, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện…); khu công cộng (bến xe, công viên, khu vui chơi giải trí, đường phố…); dịch vụ vệ sinh; các hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh.
UBND thành phố cho biết, để chuẩn bị cho công tác phân loại CTRSH tại nguồn, UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo, giao các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường tập trung cao thực hiện, nghiên cứu đề xuất xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn đảm bảo quy định. Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, các tổ, bản rà soát, sửa đổi quy chế, hương ước của tổ, bản, bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết đến với người dân.
Công tác thu gom rác thải trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh triển khai.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng thành phố hiện nay, toàn bộ nguồn rác thải sinh hoạt chưa được phân loại từ đầu nguồn ở các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ, chỉ được phân loại trong quá trình thu gom vận chuyển về khu xử lý tập trung; đã và đang gây khó khăn, lãng phí lớn trong quá trình vận chuyển, phân loại, xử lý.
Hầu hết rác thải sinh hoạt hàng ngày được các hộ gia đình chứa, đựng trong các dụng cụ như túi ni lon, bao bì, hoặc đặt trực tiếp trong xô, chậu, thùng xốp... để rải rác khắp các đầu ngõ, trước cửa nhà, treo ở các bờ tường bao, gốc cây... chờ được thu gom. Dẫn đến còn hiện tượng xả rác bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, với điều kiện cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa đảm bảo triển khai thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt...
Trước thực tế trên, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả triển khai công tác phân loại rác tại nguồn, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, dần tiến tới đồng bộ trên phạm vi 7 phường trên địa bàn thành phố. Đối tượng thực hiện là các hộ gia đình, cá nhân; các tố chức, cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La.
Mục tiêu đến hết ngày 31/8/2024, thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, phấn đấu ít nhất 40% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình. Tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp thực tiễn địa phương. Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cấp thành phố, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Đến ngày 31/10/2024, duy trì kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn phường Tô Hiệu, trong đó ít nhất 60% số hộ thực hiện phân loại. Với 6 phường còn lại, có ít nhất 30% số hộ thực hiện. Đến hết ngày 31/12/2024, trên 90% số hộ tại phường Tô Hiệu thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Với 6 phường còn lại, ít nhất 50% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại hộ gia đình.
Cùng với đó, thành phố tiến hành cải tạo, nâng cấp mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại. Đồng thời, đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
Việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quyết định số 34/2023/QĐ-UBND ngày 02/11/2023 của UBND tỉnh về ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La và Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt ban hành kèm theo Công văn số 9368/BTNMT-KSON ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
Nhóm 1: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, gồm: giấy thải, nhựa thải, kim loại thải,…. Nhóm 2: Nhóm chất thải thực phẩm, gồm: các phần thải bỏ từ sơ chế, chế biến thức ăn, các loại rau, củ, quả thải bỏ; thức ăn thừa; thực phẩm hỏng,…; Nhóm 3: Nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác, gồm: Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng đốt cháy (lá cây, cành cây, gỗ...); chất thải trơ, chất thải khó phân hủy (chai, lọ thủy tinh, bình gốm, sứ không tái sử dụng, tái chế được thải bỏ,...); chất thải rắn cồng kềnh và chất thải rắn khác còn lại. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân khu vực nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón, làm thức ăn chăn nuôi (hoặc ủ chất thải thành phân hữu cơ vi sinh bằng đống ủ; sử dụng thùng nhựa...).
Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bì thông thường do các hộ gia đình quyết định; lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Chất thải thực phẩm: Khuyến khích chứa đựng trong các vật đựng, túi, bao bao bì, thiết bị màu xanh; đảm bảo kín, không rò rỉ, ngăn ngừa mùi phát tán; được lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trước khi chuyển giao cho Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La. Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn sinh hoạt khác: Khuyến khích chất thải rắn sinh hoạt có khả năng đốt cháy đựng trong bao bì, thiết bị có màu đen; chất thải trơ, chất thải khó phân hủy đựng trong bao bì, thiết bị có màu trắng; chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại đựng trong bao bì, thiết bị có màu vàng. Lưu giữ trong khuôn viên nhà ở của hộ gia đình, cá nhân cho đến khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn cồng kềnh: Lưu giữ trong khuôn viên của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo không gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường; khuyến khích tự tháo rỡ để giảm kích thước trước khi chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ được thực hiện thí điểm tại phường Tô Hiệu, dần tiến tới đồng bộ trên phạm vi 7 phường trên địa bàn thành phố. Ảnh: NN.
Để nâng cao hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các phường thực hiện hiệu quả kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố về thí điểm triển khai phân loại CTRSH tại nguồn. Chỉ đạo UBND các phường quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai thực hiện phân loại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác; in ấn tờ rơi hướng dẫn phát đến tận các tổ bản, hộ gia đình cá nhân.
Lựa chọn các tổ chức đoàn thể làm lực lượng nòng cốt thực hiện tuyên truyền, phổ biến, vận động. Tổ chức ký cam kết với phường; phường ký cam kết với các tổ bản; tổ bản ký cam kết với các hộ gia đình, cá nhân. Đưa nội dung phân loại CTRSH tại nguồn vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa. Rà soát lại các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về môi trường, tránh phát sinh ô nhiễm. Chỉ đạo UBND các phường thống nhất với Công ty CP môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La về vị trí, thời gian, quy mô tiếp nhận chất thải tại các trạm trung chuyển CTRSH.
Thành lập các tổ kiểm tra, giám sát của UBND thành phố, các ban vận động, giám sát thực hiện của các phường, tổ dân phố để vận động, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển CTRSH, đảm bảo đồng bộ, thống nhất. Tổ chức học tập mô hình, cách thức phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại thành phố Hải Phòng để nghiên cứu, áp dụng thực hiện.
Đề nghị Công ty CP Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La thống nhất với UBND các phường, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để xác định thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom CTRSH. Rà soát toàn bộ trang thiết bị thu gom, vận chuyển hiện có, đảm bảo dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp từng loại CTRSH đã được phân loại. Xe chuyên dụng cuốn ép CTRSH phải có thiết bị lưu chứa nước rỉ rác; bảo đảm không rơi vãi CTRSH, rò rỉ nước rỉ rác, phát tán mùi trong quá trình vận chuyển.
Sở TN&MT tỉnh sẽ tập trung biên soạn tập gấp, sổ tay hướng dẫn phân loại rác để tuyên truyền tới người dân. Thành lập các tổ công tác, tổ hướng dẫn chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện phân loại. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; xây dựng Quy định giá cụ thể với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.
Nguyễn Nga
Bình luận