Hotline: 0941068156
Thứ tư, 15/01/2025 11:01
Thứ hai, 12/08/2024 10:08
TMO - Đối với đê Biển Đông, tình hình sạt lở ngày càng nghiêm trọng, do đó, các địa phương cần chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả. Trong đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng dự án cấp bách cần triển khai, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng.
Tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau là hai địa phương có tỉ lệ sạt lở bờ biển cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hệ thống đê biển Tây tỉnh Cà Mau có chiều dài khoảng 108 km, trong đó 51,3 km đê đã được xây dựng và nâng cấp, còn 56,7 km chưa được đầu tư, nâng cấp. Trong khi đó, tuyến đê Biển Đông của tỉnh Cà Mau có chiều dài dự kiến 138 km hiện chưa được đầu tư.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm tại địa phương dài 83,85 km, trong đó bờ biển Tây là 22 km còn bờ Biển Đông là 61,85 km. Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở khoảng 425 km trên tổng số chiều dài 8.118 km.
Đối với Bạc Liêu, tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, trong đó tính từ năm 2015 đến tháng 7/2020, tổng chiều dài sạt lở là 3.660 m. Địa phương này đã xác định có 50 danh mục cần đầu tư đến năm 2030, với tổng kinh phí dự kiến hơn 28.000 tỷ đồng. Do đó, Bạc Liêu và Cà Mau kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số dự án đầu tư kè chống sạt lở tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xung yếu, cấp bách.
Làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún
Mới đây, sau khi đi khảo sát thực địa và làm việc với tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương làm tốt công tác dự báo tình hình sạt lở, sụt lún, nhấn mạnh dự báo càng tốt, càng chính xác càng có giá trị, không chỉ để bảo vệ sinh mạng và tài sản của người dân mà còn tiết kiệm nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kiểm tra tình hình sạt lở tại tỉnh Bạc Liêu.
Phó Thủ tướng yêu cầu bằng mọi giá phấn đấu không để thiệt hại về người. Do đó, phải kiên quyết di dời bà con ở những nơi xung yếu đến nơi an toàn, quan tâm chăm lo sinh kế cho bà con dù việc này rất khó do còn phụ thuộc vào tập quán sinh hoạt của bà con. Đối với nguồn kinh phí, Phó Thủ tướng cho rằng cần có sự vào cuộc của cả Trung ương và địa phương. Về phía địa phương, cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng hồ sơ các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên để đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau năm 2025, đồng thời huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách, kể cả nhân công. Phó Thủ tướng giao các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ các địa phương hoàn thiện các dự án đầu tư sao cho đồng bộ với Đề án chống sạt lở, sụt lún, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng ĐBSCL, tìm nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau theo quy định.
Theo các chuyên gia, những năm qua, do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động của phát triển thiếu bền vững về kinh tế - xã hội tại các quốc gia vùng thượng nguồn và nội vùng, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang có diễn biến rất phức tạp, uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Với hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc và trên 740 km bờ biển, từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134 km, trong đó bờ sông có 666 điểm/744 km; bờ biển có 113 điểm/390 km.
Sạt lở khu vực ĐBSCL diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung nhiều hơn cho công tác quản lý bờ sông, lòng sông, bờ biển. Theo đó, tăng cường truyền thông, xử lý vi phạm; tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng sạt lở, bờ sông, bờ biển, xây dựng bản đồ phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Trung ương đã đầu tư và đã có kế hoạch đầu tư cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long 16.223 tỷ đồng để xây dựng 218 công trình kè chống sạt lở, với chiều dài 324 km. Mặc dù vậy, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, toàn vùng còn hơn 560 điểm sạt lở, trong đó, bờ sông có 513 điểm/602km; bờ biển có 48 điểm/208km. Đáng chú ý, cả khu vực còn 63 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm (bờ sông 39 điểm/118km, bờ biển 24 điểm/86km), với tổng chiều dài 204 km.
PHƯƠNG ĐIỀN
Bình luận