Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 00:11
Thứ sáu, 12/04/2024 08:04
TMO - Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, giảm sức lao động, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị đã tích cực, tăng cường áp dụng cơ giới hoá trong quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch nông sản, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất… thời gian qua, tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hoá nói riêng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Là huyện miền núi biên giới, huyện Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích tự nhiên hơn 115.000ha. Đất đai chủ yếu có hai loại: cát pha và đất đỏ bazan, thuận lợi cho việc phát triển nông - lâm nghiệp. Trong đó đất có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp khá lớn. Trong những năm qua, huyện đã tập trung đẩy mạnh cơ giới hoá trong quá trình sản xuất để tạo ra một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giảm sức lao động, đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân.
Hiện nay, các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất ở Hướng Hóa chủ yếu như máy cày đất, tập trung ở các xã có diện tích sắn, cao su lớn như xã Lìa, Thuận, Thanh, A Dơi; máy móc phục vụ cày đất làm lúa nước, đùn lúa, tuốt, xay xát lúa tập trung ở các xã có diện tích lúa nước lớn như Hướng Sơn, Hướng Tân, Húc, một số xã dọc đường Chín.
Hướng Sơn là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa, có diện tích lúa nước gần 200ha lớn nhất trong toàn huyện. Để tiết kiệm sức lao động cho nông dân, mang lại sản lượng cao, những năm trở lại đây xã Hướng Sơn đã tích cực ứng dụng công nghệ, đưa máy móc cơ giới vào hoạt động sản xuất.
Việc xuất hiện những loại máy móc trên được xem là bước đi hứa hẹn góp phần thay đổi tích cực ngành nông nghiệp của huyện Hướng Hoá. Hiện nay hầu hết bà con đều sử dụng máy phay ruộng, máy đùn lúa, máy xay xát lúa. Bình quân mỗi thôn, bản ở xã có ít nhất 3 loại máy phục vụ sản xuất như máy tuốt lúa, máy cày đất và máy xay xát. Những máy móc này do người dân tự trang bị, vừa phục vụ việc sản xuất của gia đình vừa làm dịch vụ cho thuê. Nhờ ứng dụng tốt việc cơ giới hoá nên năng suất, chất lượng lúa nước được nâng lên rõ rệt.
Đến nay, tỉ lệ cơ giới hoá được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở huyện ước đạt 45 - 50%.
Cùng với đó các loại máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cán cỏ làm thức ăn gia súc, máy và thiết bị cho ăn, uống bán tự động cho gia súc, gia cầm, hệ thống tưới nước nhỏ giọt... được sử dụng phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hoá và tỉnh Quảng Trị. Riêng đối với các vùng chuyên canh cây cà phê, ngoài ứng dụng máy móc trong làm đất thì các hộ kinh doanh, hợp tác xã đều lắp đặt các loại máy móc vào dây chuyền sản xuất, như máy và thiết bị sấy, xay xát, chế biến cà phê. Bên cạnh khâu làm đất, thu hoạch, chế biến thì khâu vận chuyển sản phẩm nông nghiệp hiện nay cũng được cơ giới hoá hoàn toàn.
Đến nay, tỉ lệ cơ giới hoá được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ở huyện ước đạt 45 - 50%. Nhờ chủ động thực hiện cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, nông dân trên địa bàn huyện đã dần ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Giúp giảm chi phí nhân công và nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận trong sản xuất. Cơ giới hoá cũng góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi các tập tục canh tác lạc hậu cho năng suất thấp.
Nhờ đẩy mạnh cơ giới hoá, năm 2023 huyện Hướng Hóa gieo trồng được trên 9.220 ha cây trồng các loại; trong đó chủ lực là cây sắn với diện tích trên 5.600 ha, năng suất bình quân đạt 15,9 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 90.000 tấn; hơn 2.300 ha lúa, sản lượng đạt gần 8.000 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn có hơn 560 ha ngô, 319 ha rau đậu các loại, khoảng 133 ha cây có củ, 178 ha cây gia vị, dược liệu...
Đối với cây lâu năm, toàn huyện hiện có trên 3.700 ha cây cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.400 ha, năng suất đạt 10,4 tạ/ha; khoảng 230 ha hồ tiêu, năng suất thu hoạch đạt 10,4 tạ/ha; trên 1.100 ha cao su với diện tích cho thu hoạch khoảng 690 ha, sản lượng mủ ước đạt 853 tạ/ ha.
Việc chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, dần cơ giới hóa, thay thế cho cách thức sản xuất cũ giúp giải phóng bớt sức lao động, cho năng suất, hiệu quả cao hơn. Nhờ nhanh nhạy và kịp thời trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà đến nay huyện Hướng Hóa đã ổn định một số vùng chuyên canh tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và công nghiệp chế biến.
Huyện Hướng Hóa xác định, phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất của nền kinh tế đạt: 23.655,7 tỷ đồng; Trong đó ngành nông - lâm nghiệp đạt 2.065,74 tỷ đồng, chiếm 8,66. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50,78 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hàng năm 4.054,99 tỷ đồng, tăng 8% năm. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 14 - 16%. Tỷ lệ che phủ rừng: 47%...Thực hiện tốt chính sách khuyến công, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất, nông nghiệp sẽ góp phần xây dựng quê hương Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Đức Dũng
Bình luận