Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ năm, 20/06/2024 14:06
TMO - Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã bố trí nguồn lực đầu tư, các công trình nước sạch nông thôn tại các địa phương, đồng thời triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, duy trì tính bền vững trong việc khai thác các công trình này.
Thông tin từ Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, trên địa bàn khu vực nông thôn của Quảng Nam hiện có 554 công trình cấp nước sạch tập trung và được giao cho các địa phương quản lý, vận hành. Trong đó, cộng đồng dân cư quản lý 482 công trình, các hợp tác xã quản lý 40 công trình, đơn vị sự nghiệp quản lý 1 công trình, tư nhân quản lý 12 công trình, doanh nghiệp quản lý 19 công trình.
Đáng chú ý, trong số 554 công trình cấp nước sạch tập trung nêu trên, có 81 công trình hoạt động bền vững, 245 công trình hoạt động trung bình, 147 công trình hoạt động kém hiệu quả và 81 công trình không hoạt động. Tính đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn của Quảng Nam sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95,7%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành đạt 53,31%.
Theo đánh giá của lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, nhiều năm qua một số khu vực của Quảng Nam còn thiếu nước sinh hoạt, nhất là mùa khô. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế vẫn còn khá thấp. Trong khi đó, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư nước sạch về khu vực nông thôn còn rất nhiều khó khăn.
Thời gian tới tỉnh Quảng Nam cần nâng cao chất lượng khai thác, vận hành các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn (Ảnh minh họa).
Trước thực trạng nhiều công trình nước sạch nông thôn đang xuống cấp, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về việc thành lập ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch; văn bản hướng thực hiện dẫn bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn. Hiện nay, việc cấp nước an toàn khu vực nông thôn được chính quyền địa phương và HTX quản lý, vận hành nhưng nguồn lực hạn chế nên các công trình chỉ đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho các khu dân cư đặc biệt khó khăn về nước.
Mới đây, UBND Quảng Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo kiểm soát hiệu quả chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong cung cấp và sử dụng của người dân. Qua đó, đảm bảo và nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, từng bước đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc, đồng bộ, đồng thời kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, đánh giá để kịp thời điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, tháo gỡ khó khăn trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt hàng năm.
Đầu tư nâng cao năng lực phòng xét nghiệm ngoại kiểm chất lượng nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo phân cấp đảm bảo quy định; chỉ đạo hoạt động thông tin giáo dục truyền thông, hướng dẫn, giám sát, tập huấn chuyên môn, kỹ thuật về kiểm tra, giám sát, xét nghiệm chất lượng nước cho cán bộ y tế làm công tác giám sát, xét nghiệm chất lượng nước các tuyến...
Sở NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, hướng dẫn các địa phương, đơn vị quản lý khai thác nước sạch tập trung nông thôn thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo quy định thuộc phạm vi quản lý. Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện hoạt động cấp nước, chất lượng nước sạch tại nông thôn theo quy định...
Ưu tiên kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình hoạt động kém bền vững, hư hỏng, xuống cấp là nhiệm vụ trọng tâm mà các địa phương cần đẩy mạnh triển khai.
Báo cáo của Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cả nước đã xây dựng được khoảng 18.000 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung vùng nông thôn. Hiện nay, các công trình này đã giúp khoảng 32 triệu người dân vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh, nước sạch. Đến hết năm 2023 có 97% người dân khu vực vùng nông thôn đã được tiếp cận nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 57% tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ các công trình cấp nước tập trung.
Mặc dù hiệu quả mang lại rất lớn nhưng hiện nay cả nước có khoảng 5.976 công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn đang hoạt động kém bền vững hoặc xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa. Nguyên nhân là nhiều công trình xây dựng đã lâu, hết khấu hao. Việc thiếu kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì dẫn đến các công trình nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng, công suất hoạt động không bảo đảm; Việc không bố trí được kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng dẫn đến nhiều công trình cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn bị xuống cấp, hư hỏng và dừng hoạt động…
Để khắc phục tình trạng này, Cục Thủy lợi cho biết, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên kinh phí để nâng cấp, sửa chữa các công trình hoạt động kém bền vững, hư hỏng, xuống cấp; chuyển đổi mô hình quản lý công trình cấp nước kém hiệu quả sang mô hình quản lý hiệu quả hơn. Cùng với đó cần xây dựng các sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, tài chính, truyền thông, các tiêu chí về năng lực lựa chọn đơn vị quản lý vận hành công trình cấp nước bảo đảm hoạt động hiệu quả, bền vững; hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ quản lý vận hành công trình cấp nước nô ng thôn, đặc biệt đối với các công trình giao cho ủy ban nhân dân xã quản lý…/
Ngọc Mai
Bình luận