Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ sáu, 18/10/2024 07:10
TMO - Trước tác động của biến đổi khí hậu cũng như nguy cơ gia tăng ô nhiễm, tỉnh Quảng Bình đang đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển, hoàn thiện mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Trong những năm qua, Luật Quy hoạch Đô thị quy định cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải là đối tượng, nội dung của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, đề ra yêu cầu đối với quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải.
Cùng với đó, Luật Tài nguyên nước yêu cầu về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn… đều có nội dung liên quan đến biến đổi khí hậu, quy hoạch, quản lý đô thị trong đó có quy hoạch, quản lý thoát nước và xử lý nước thải.
Quyết định số 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 quy định quan điểm phát triển thoát nước bền vững góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm bảo đảm thoát nước an toàn, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Quảng Bình được phân thành 3 lưu vực thoát nước mưa chính gồm: Vùng tiêu hệ thống thuỷ lợi sông Kiến Giang, vùng tiêu hệ thống thuỷ lợi sông Nhật Lệ và vùng tiêu hệ thống thủy lợi sông Gianh. Về cơ bản trong những năm gần đây các công trình thoát nước đã đảm bảo tiêu thoát nước cho địa phương…
Ngập úng tại tuyến đường Trần Hưng Đạo, đây là tuyến đường trung tâm của TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). (Ảnh minh hoạ: PL)
Tuy nhiên, mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải tại tỉnh Quảng Bình vẫn tồn tại một số khó khăn. Đơn cử như, đối với hệ thống thoát nước mặt đô thị, do nguồn lực ngân sách còn hạn chế nên hầu hết các đô thị chưa được đầu tư đúng mức, nên mới chỉ đầu tư các tuyến chính trong đô thị, các khu vực hiện trạng nội thị, trung tâm các huyện vẫn cơ bản là hệ thống thoát nước chung và nửa riêng. Các công trình đầu mối vẫn dùng chung với tiêu thoát của thủy lợi và các khu ngoại thị. Các khu đô thị mới được đầu tư xây dựng từ năm 2010, hệ thống thoát nước đã được thiết kế tách riêng nước mưa và nước thải. Mạng lưới thoát nước mưa các đô thị trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư xây dựng tuy nhiên vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ.
Chế độ tiêu thoát mưa tại các đô thị các đô thị trên địa bàn tỉnh cơ bản là tự chảy, quá trình hình thành phát triển đô thị nhận thấy một số đô thị đã xuất hiện các điểm ngập úng cục bộ. Khu vực dân cư nông thôn hiện nay hầu như chưa có xây dựng hệ thống thoát nước mưa, chủ yếu thoát theo địa hình tự nhiên ra sông, suối hoặc tự thấm.
Đối với hệ thống thoát nước thải, hiện nay, hầu hết các đô thị chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; các khu dân cư hiện hữu hệ thống thoát nước thải được đi chung vào hệ thống thoát nước mưa, nước thải sau khi được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại của nhà dân, một số khu đô thị mới được đầu tư hệ thống thoát nước mưa và thoát nước thải riêng biệt, sau đó vẫn chảy về hệ thống thoát nước mưa.
Tại khu vực TP. Đồng Hới, một số nhà máy xử lý nước thải đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Tiêu biểu như nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh (hoạt động từ năm 2014) với công suất thiết kế đạt 10.000 m3/ngày đêm với 14 trạm bơm nước thải, 12 giếng tách và hệ thống các tuyến cống với tổng chiều dài 22,1km cống nước thải chính và 37,87km cống cấp ba đấu nối hộ gia đình chủ yếu tại các phường Đồng Hải, Đồng Phú và một phần các phường Hải Thành, Bắc Lý, Nam Lý, tuy nhiên, mới chỉ đáp ứng được hơn 40% khu vực đô thị.
Còn tại Thị xã Ba Đồn, đang trong quá trình triển khai thi công các hạng mục thuộc dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường Ba Đồn, công suất 3.000 m3/ngày đêm, nguồn vốn vay Ngân hàng ADB, sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng được một phần yêu cầu xử lý nước thải trên địa bàn.
Nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh đáp ứng một phần nhu cầu xử lý nước thải của tỉnh Quảng Bình. (Ảnh TH).
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, chủ yếu thoát theo địa hình tự nhiên và thoát theo hệ thống các công trình thủy lợi; một phần thẩm thấu vào đất. Các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hệ thống thoát nước thải; việc thoát nước thải tại khu vực nông thôn thường chủ yếu thoát theo địa hình tự nhiên và theo hệ thống các công trình thủy lợi; một phần thẩm thấu vào đất, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.
Đối với khu vực nông thôn lựa chọn hệ thống thoát nước phù hợp với hệ thống tiêu thủy lợi và điều kiện của địa phương. Hướng thoát nước theo địa hình thực tế của khu dân cư thoát ra hệ thống kênh mương, ao hồ của địa phương.
Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang có 07 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 2.082ha. Đồng thời, có 06 cụm công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích 75,44 ha.Tuy nhiên mới chỉ có Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La được đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất giai đoạn 1 là 500 m3/ngày đêm. Đối với hệ thống thu gom thoát nước mưa, cơ bản đã được xây dựng đồng bộ cùng các trục giao thông trong Khu công nghiệp, khu chức năng trong Khu kinh tế.
Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh của các đô thị đến năm 2030 là khoảng 160.000 m3/ngày đêm. Sử dụng hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn cho các khu đô thị mới. Tại các khu dân cư thôn xóm nước thải sinh hoạt sau khi được xử lý cục bộ tại công trình được thoát chung vào hệ thống nước mưa. Hệ thống thoát nước thải hoạt động theo chế độ tự chảy.
Thời gian tới, địa phương này triển khai xây dựng hệ thống thoát nước riêng tại các khu công nghiệp tập trung. Tổng diện tích đất công nghiệp đến năm 2030 khu công nghiệp của tỉnh khoảng 205.000ha. Dự kiến xây dựng các khu xử lý nước thải công nghiệp tập trung với tổng công suất đến năm 2030 khoảng 175.000 m3/ngày đêm. Tại mỗi khu, cụm công nghiệp tập trung phải được xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường mới được phép thải ra nguồn tiếp nhận. Đối với các khu công nghiệp đã có trạm xử lý nước thải thực hiện nâng công suất các trạm xử lý đảm bảo yêu cầu xử lý nước thải của khu công nghiệp đó.
Đến năm 2030, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải được xây dựng hệ thống thoát nước riêng. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Đối với các khu dân cư sống tập trung theo cụm: Do lượng nước thải ít, tùy theo địa hình mà bố trí hồ sinh học để xử lý nước thải các khu dân cư tập trung theo tuyến: Nước thải được xử lý theo từng hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình (như xây dựng bể tự hoại, hầm biogas...) thải ra mương, cống thoát nước. Khuyến khích xây dựng hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và giếng tách nước thải tại vị trí miệng xả của hệ thống thoát nước chung để xử lý bằng các phương pháp xử lý tự nhiên: giếng thấm, bãi lọc ngầm…
Với việc triển khai các giải pháp nhằm phát triển, tiến tới hoàn thiện mạng lưới thoát nước, xử lý nước thải sẽ góp phần giúp tỉnh Quảng Bình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đặc biệt là tình hình mưa lũ phức tạp như hiện nay, đồng thời kiểm soát được nguy cơ ô nhiễm môi trường từ việc quy hoạch, xử lý hiệu quả các nguồn nước thải.
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, địa phương rất quan tâm vấn đề thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Tỉnh đã quy hoạch hệ thống xử lý nước thải tại các huyện, thị xã, thành phố và trước mắt tập trung cho thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão, thị trấn Kiến Giang, thị trấn Phong Nha.
Về lâu dài, tỉnh mong muốn hợp tác và nhận được sự chia sẻ, đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý nước thải sinh hoạt, nhằm nâng cao công suất xử lý nước thải sinh hoạt cho các đô thị và hệ thống hạ tầng khu công nghiệp.
Nguyên Linh
Bình luận