Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 16:01
Thứ ba, 20/02/2024 07:02
TMO - Khai thác lợi thế về tài nguyên du lịch, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang đến trải nghiệm khác biệt, ấn tượng cho du khách khi đến thăm quan, lưu trú.
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình năm 2023 đạt 4,5 triệu lượt, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ 2022 và đạt 128,86% kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách nội địa đạt gần 4,4 triệu lượt, gấp 2,11 và đạt 129,18% kế hoạch; khách quốc tế đạt 118.000 lượt, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ và đạt 118% so với kế hoạch.
Toàn tỉnh hiện có 532 cơ sở lưu trú, gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 43 đơn vị lữ hành; có khoảng 15.300 lao động trong lĩnh vực du lịch. Tổng thu từ khách du lịch đạt 5.096,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ và đạt 128,86% kế hoạch năm 2023. Địa phương này xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, du lịch chiếm tỉ trọng 49,1% trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Với ngành du lịch việc tiến hành chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang kinh doanh hiện đại, thay đổi cách đi du lịch, cách làm du lịch, cách kinh doanh, quản lý du lịch nhờ dữ liệu và công nghệ số đã có tác động mạnh mẽ, tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch, giúp du khách được trải nghiệm dịch vụ nghỉ dưỡng, giải trí thuận tiện, đẳng cấp và đáng nhớ.
Trong bối cảnh nghiêm túc thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt ngày 03/6/2020, để có những bước phát triển nhảy vọt trên tất cả các lĩnh vực thì chuyển đổi số ngành du lịch là điều kiện cần thiết phù hợp với Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giao diện bản đồ số Du lịch Quảng Bình (Ảnh: PL).
Hiện tại Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành du lịch, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp du lịch thông minh trong cả những năm tiếp theo Cụ thể tỉnh đã ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật thông tin liên tục, chi tiết cho khách tham quan. Sở Du lịch Quảng Binh đã giới thiệu mọi thông tin trong phần mềm Cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng “Quangbinh Tourism”, ứng dụng trải nghiệm thực tế ảo “Quang Binh Tourism VR Tour” trên điện thoại di động và ra mắt ứng dụng “Bản đồ số Du lịch Quảng Bình”.
Các ứng dụng cung cấp đầy đủ nội dung thuyết minh, hình ảnh, video trực quan, sinh động gắn liền với các điểm du lịch đặc trưng, tái hiện không gian 2D/3D xung quanh các điểm tham quan du lịch nhằm xây dựng thêm những trải nghiệm tương tác mới lạ, tăng cường sự kết nối giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, người dân và khách du lịch.
Các giải pháp trả lời tự động thay thế cho nhân viên tư vấn đã được triển khai tại Quảng Bình thông qua website: https://myquangbinh.vn. Đối với các doanh nghiệp, các nền tảng mạng xã hội như như tiktok, facebook, zalo, youtube…cũng được sử dụng để quảng bá sản phẩm du lịch rộng rãi. Bên cạnh đó các Tập đoàn hàng đầu về công nghệ thông tin, giải pháp số đã giới thiệu nhiều giải pháp chuyển đổi để các nhà quản lý, doanh nghiệp được trải nghiệm thực tế, từ đó có sự lựa chọn phù hợp phục vụ quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Từ năm 2020 tỉnh Quảng Bình đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo đối với một số địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo giúp tăng trải nghiệm thú vị cho du khách, mang tới những cảm nhận mới lạ, có thể tương tác trực tiếp vào không gian, tạo nên mong muốn đến những địa điểm chưa được đến cho du khách. Đây cũng là cách giúp tăng, thu hút lượng khách du lịch cho các địa điểm.
Website quảng bá, cung cấp thông tin du lịch Quảng Bình cho đối tượng là du khách nước ngoài.
Mặc dù ngành du lịch Quảng Bình đã có những bước phát triển nhanh chóng tuy nhiên chuyển đổi số vẫn còn manh mún, rời rạc, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung. Các tiện ích khác phục vụ nhu cầu về lưu trú, lữ hành, điểm đến, trải nghiệm, thưởng thức văn hoá ẩm thực…vẫn chưa được tối ưu hoá.
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón từ 4,3 – 4,8 triệu lượt khách du lịch nội địa và khoảng 200.000 lượt khách quốc tế, dự kiến mang lại tổng doanh thu khoảng 5.000 đến 5.600 tỷ đồng. Muốn chuyển đổi số hiệu quả, ngành Du lịch Quảng Bình cần xây dựng kế hoạch và chiến lược bài bản, trọng điểm, tạo sự khác biệt trong phương thức quản lý, vận hành, quản trị ngành, nâng cấp trải nghiệm cho du khách. Đồng thời đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tăng cường ứng dụng Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu… để làm giàu tài nguyên thông tin; thiết lập nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, kết nối chặt chẽ, đầy đủ giữa cung và cầu.
Đức Thành
Bình luận