Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ bảy, 22/04/2023 06:04
TMO - Công nghệ viễn thám hiện nay đang được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, với ưu điểm nổi bật của dữ liệu viễn thám như độ phủ trùm không gian của dữ liệu rộng... công nghệ này đang được đẩy mạnh ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước.
Các ngành chức năng cho biết, để phục vụ các mục đích quản lý và khai thác tài nguyên nước phải điều tra và giám sát sự phân bố các đối tượng thủy văn và các nguồn nước ngầm, khối lượng và chất lượng cũng như diễn biến theo mùa, theo thời gian của chúng, các hiện tượng thuỷ văn có liên quan như lũ lụt, nhiễm mặn, biến động lòng sông, lòng hồ,… Dữ liệu viễn thám có thể đem lại nhiều thông tin trực tiếp và gián tiếp về các nguồn nước mặt cũng như nước ngầm.
Các thông tin về chất lượng nước và về nước ngầm cũng cần được nghiên cứu áp dụng, khai thác từ ảnh viễn thám. Khả năng sử dụng ảnh viễn thám để điều tra, giám sát tài nguyên nước là một phương pháp cho kết quả nhanh và kịp thời nhất. Ảnh viễn thám được sử dụng chuyên cho mục đích kiểm kê các nguồn nước mặt, qua công tác hiện chỉnh bản đồ địa hình, ảnh viễn thám là tài liệu chính dùng để cập nhật mạng lưới thủy văn bao gồm sông, suối, kênh mương, các hồ chứa nước và hồ, đầm, ao.
Ảnh minh họa.
Ảnh viễn thám đã được một số cơ quan sử dụng để khảo sát, thành lập bản đồ biến động lòng sông ở các tỉ lệ khác nhau, cho hệ thống sông Cửu Long, một số sông ở miền Trung và sông Hồng. Phần lớn những bản đồ này do Cục Viễn thám quốc gia lập. Ngoài ra, ảnh viễn thám đã được một số đơn vị thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia và Cục Viễn thám quốc gia sử dụng để cung cấp thông tin về các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước như đập, hồ chứa nhân tạo, trạm bơm, công trình thủy lợi... nhất là khu vực khó đến hoặc đi lại tốn kém, đặc biệt là các lưu vực sông lớn chảy xuyên qua nhiều quốc gia.
Trong khuôn khổ của dự án Điều tra, lập bản đồ đặc trưng nguồn nước liên quốc gia, Cục Viễn thám quốc gia vừa hoàn thành nghiệm thu hạng mục “Xây dựng Cơ sở dữ liệu bản đồ nguồn nước liên quốc gia lưu vực sông Hồng”. Dự án quan trọng này được thực hiện góp phần tạo lập bộ thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước và thành lập tập bản đồ đặc trưng nguồn nước liên quốc gia nhằm cung cấp thông tin phục vụ đàm phán, chia sẻ và trao đổi thông tin về tài nguyên nước với các nước có chung nguồn nước và quản lý, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Hồng.
Theo đó, Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ viễn thám trong xây dựng Cơ sở dữ liệu bản đồ nguồn nước liên quốc gia lưu vực sông Hồng (thuộc dự án: Điều tra, lập bản đồ đặc trưng nguồn nước liên quốc gia giai đoạn 1: Lưu vực sông Hồng). Kết quả của dự án là một trong những cơ sở phục vụ ra quyết định trong quản lý nguồn nước, cung cấp thông tin cho các ngành kinh tế-xã hội liên quan đến khai thác sử dụng nguồn nước liên quốc gia thuộc phạm vi lưu vực sông Hồng, đặc biệt đối với vùng châu thổ Sông Hồng.
Cục đã thành lập bản đồ nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:100.000 phục vụ biên tập, xây dựng các bản đồ; Thành lập bình đồ ảnh vệ tinh tỷ lệ 1:100.000 (phần Việt Nam) với khối lượng là 47 mảnh; Giải đoán ảnh, hiện chỉnh các lớp thông tin địa lý trên ảnh vệ tinh với khối lượng là 47 mảnh; Biên tập bản đồ nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:100.000 với khối lượng là 47 ảnh; Chuẩn hóa dữ liệu ảnh vệ tinh và bản đồ nền thông tin địa lý và thiết kế mô hình cơ sở dữ liệu theo kết quả phân tích.
Bên cạnh đó, thông qua thực hiện dự án, Cục Viễn thám quốc gia đã thu thập được thông tin về nguồn nước đến và chảy ra khỏi biên giới Việt Nam phục vụ công tác quản lý, phục vụ việc khai thác sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo việc dự trữ nguồn nước, an ninh nguồn nước. Các số liệu nguồn nước này để phục vụ kịp thời cho công tác quản lý và phòng tránh rủi ro do nước gây ra.
Cục Viễn thám quốc gia cũng đã thu thập được số liệu nguồn nước trên các sông liên quốc gia nhằm chủ động trong hợp tác, duy trì và củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các quốc gia ở thượng lưu và hạ lưu các sông quốc tế của Việt Nam trên nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia; đồng thời tôn trọng và thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế liên quan đến nguồn nước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhằm chia sẻ lợi ích, bảo đảm công bằng, hợp lý trong khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và phòng, chống, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
V.Anh
Bình luận