Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ hai, 22/04/2024 08:04
TMO - Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Vườn Quốc gia Xuân Sơn (tỉnh Phú Thọ) đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, thiết bị hiện đại hỗ trợ việc tuần tra rừng hiệu quả, kịp thời phát hiện sớm những biến động về rừng và đất lâm nghiệp…
Phú Thọ là tỉnh miền núi, nằm trong khu vực giao thoa giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi Tây Bắc. Diện tích có rừng là 170.531,8ha, chiếm 93,1%. Trong đó, rừng đặc dụng chiếm 9,37%; rừng phòng hộ chiếm 18,75% và rừng sản xuất chiếm 71,87% so với tổng diện tích rừng. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40%.
Đối với khu vực Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Sơn, được thành lập năm 2002 trên cơ sở nâng cấp từ khu bảo tồn thiên nhiên, VQG có tổng diện tích gần 33.700ha, trong đó vùng lõi trên 15.000 ha, vùng đệm trên 18.600 ha. Vườn quốc gia nằm trên địa phận xã Xuân Sơn và một phần 6 xã khác của huyện Tân Sơn là Xuân Đài, Kim Thượng, Đồng Sơn, Lai Đồng và Tân Sơn.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tình trạng khô hạn kéo dài dẫn đến rừng hanh khô, nguy cơ cháy rất lớn, đồng thời để kịp thời hạn chế tình trạng chặt phá rừng trái phép, VQG Xuân Sơn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường quản lý, bảo vệ rừng trước những diễn biến bất thường.
Bằng các phần mềm chuyên ngành và hệ thống định vị GPS thông qua việc ứng dụng bộ công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra (SMART), đã giúp lực lượng chức năng, lực lượng chuyên trách thực hiện tốt nhiệm vụ, theo dõi sát sao, giám sát chặt chẽ đa dạng sinh học, từ đó nâng cao hiệu quả trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng. VQG Xuân Sơn đã triển khai ứng dụng SMART với phiên bản nâng cấp là SMART6.3.0.
Đội bảo vệ rừng thuộc VQG Xuân Sơn ứng dụng công cụ SMART để quản lý, tuần tra rừng. (Ảnh: HH).
Quá trình ứng dụng công nghệ cao SMART để bảo vệ rừng được lực lượng chuyên trách triển khai ngay khi bắt đầu thực hiện tuần tra, kiểm tra. Bằng cách sử dụng công cụ SMART Mobile để nhập thông tin tuần tra, cập nhật thông tin trong quá trình tuần tra, khi kết thúc tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng kết thúc tuyến tuần tra, xuất dữ liệu tuần tra. Sau đó gửi lên máy chủ thông qua địa chỉ Zalo hoặc gửi tới địa chỉ hòm thư điện tử -gmail để cán bộ Đội chuyên trách bảo vệ rừng tổng hợp, định kỳ hàng tháng trong các cuộc họp giao ban, xuất báo cáo tự động gửi lãnh đạo Vườn, từ đó đánh giá mức độ hoàn thành công việc, định hướng kế hoạch, nội dung công việc trong thời gian tiếp theo.
Từ khi sử dụng SMART Mobile, việc thu thập thông tin, dữ liệu hiện trường đã dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn vì đã có mô hình dữ liệu mẫu được thiết lập sẵn với nhiều trường thông tin khác nhau để thu thập các dữ liệu cần thiết trên thực địa. Ngoài ra, SMART Mobile còn được tích hợp sẵn bản đồ vệ tinh và bản đồ nền của Vườn, kèm theo các tính năng khác như định vị, xác định góc phương vị, độ cao so với mực nước biển, tốc độ di chuyển, tính năng đính kèm hình ảnh tại vị trí ghi nhận thông tin trên thực địa.
Trong khi đó, với cách làm truyền thống trước đây, khi chưa áp dụng SMART, việc thu thập dữ liệu tuần tra được thực hiện thông qua các công cụ như máy định vị GPS cầm tay, phiếu, biểu giấy và máy ảnh, sau đó được nhập một cách thủ công vào máy tính gây tốn nhiều thời gian, phát sinh nhiều rủi ro khi quản lý phiếu, lỗi khi ghi chép hoặc khi nhập dữ liệu, đặc biệt là khi số phiếu, biểu giấy nhiều.
Ứng dụng khoa học công nghệ, SMART Mobile đã mang lại nhiều thuận lợi trong quá trình quản lý, bảo vệ, tuần tra rừng. Bởi vì việc thu thập thông tin, dữ liệu hiện trường đã dễ dàng, nhanh chóng, chính xác hơn do mô hình dữ liệu mẫu được thiết lập sẵn với nhiều trường thông tin khác nhau để thu thập các dữ liệu cần thiết trên thực địa. Ngoài ra, SMART Mobile còn được tích hợp sẵn bản đồ vệ tinh và bản đồ nền của VQG Xuân Sơn, kèm theo nhiểu tính năng khác, mang tới sự thuận lợi trong kiểm tra dữ liệu rừng. Thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp Ban quản lý VQG Xuân Sơn quản lý hiệu quả diện tích rừng, các vụ vi phạm được phát hiện kịp thời, tình trạng xâm hại rừng được hạn chế đáng kể.
Để đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng nói chung và VQG Xuân Sơn nói riêng, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học giai đoạn 2021-2030, hướng đến tầm nhìn đến năm 2050, nhằm định hình chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bên cạnh đó thực hiện Đề án "Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng được tỉnh Phú Thọ chú trọng với việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong chấp hành pháp luật về bảo tồn đa đạng sinh học và chủ động ngăn chặn các hành vi phạm pháp.
Trong thời gian tới, VQG Xuân Sơn sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt là sử dụng các phần mềm ứng dụng, thiết bị công nghệ cao phục vụ công tác theo dõi, tuần tra diễn biến rừng, phòng cháy chữa cháy rừng hướng tới nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng trong cộng đồng, nhân dân.
Xuân Anh
Bình luận