Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ bảy, 31/08/2024 06:08
TMO - Khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2. Công viên được định hướng để xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.
UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định thành lập Công viên địa chất Phú Yên (PHU YEN GEOPARK). Cụ thể, khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hoà và Sơn Hòa. Công viên địa chất Phú Yên có tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000 km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50 m, bao gồm các đảo ven bờ).
Quy mô diện tích, phạm vi, ranh giới cụ thể của Công viên địa chất Phú Yên sẽ được xác định trên cơ sở kết quả nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát tiềm năng đi sản địa chất và các giá trị di sản khác ở một số khu vực tỉnh Phú Yên". Công viên địa chất Phú Yên sẽ được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học.
Công viên được định hướng để xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO. Trên cơ sở thành lập Công viên địa chất Phú Yên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thành lập Ban Quản lý công viên để quản lý và điều phối các hoạt động liên quan. Từ đó, đơn vị này sẽ xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên trong thời gian tới.
Khu vực Công viên địa chất Phú Yên nằm trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố với tổng diện tích đất liền khoảng 1.927 km2.
Theo đánh giá của các nhà khoa học UNESCO, Phú Yên hội tụ ba giá trị di sản chính để tạo thành công viên địa chất tiềm năng là di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Đặc biệt, Phú Yên có đặc trưng đá biến chất cổ khoảng 2,5 tỷ đến 542 triệu năm trước, các công trình kiến trúc thể hiện giao thoa văn hóa Chăm-Việt-Hoa-châu Âu, các hệ sinh thái cát ven biển, đầm phá, rạng san hô phong phú.
Công viên địa chất Phú Yên có tầm quan trọng đặc biệt về di sản địa chất. Ở đây có sự đa dạng tuyệt vời của đá granit hình thành từ 250 triệu năm trước. Nổi bật là Gành đá đĩa, Hòn Yến, Bãi Môn-Mũi Điện, tháp Nhạn… Về mặt giá trị di sản, bao gồm di sản địa chất, tự nhiên, văn hóa, phi vật thể, Phú Yên có đầy đủ tiềm năng để phát triển một đề án Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Phú Yên có 60 di sản địa chất, thuộc 9 kiểu (cổ sinh; địa mạo, cảnh quan; cổ môi trường; đá; địa tầng; khoáng sản; kinh tế địa chất; cấu trúc kiến tạo, lịch sử tiến hóa địa chất và địa chất đệ tứ, địa chất biển và tương tác lục địa đại dương). Giá trị về di sản địa chất ở Phú Yên là cơ sở khoa học để xây dựng Công viên địa chất Phú Yên và hướng tới mục tiêu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO.
Trước đó, tại Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 định hướng Phú Yên nhấn mạnh đến việc thành lập Công viên địa chất Phú Yên, hướng tới danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO để xây dựng thương hiệu địa phương trong chiến lược quảng bá hình ảnh, phát triển du lịch quốc tế, hướng đến việc khai thác và phát huy đồng bộ, toàn diện giá trị các di sản địa chất, di sản văn hóa xã hội lịch sử, đa dạng sinh học một cách bền vững, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, tỉnh Phú Yên còn xác định ngành du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn và đây sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Lấy du lịch nghỉ dưỡng biển đảo làm chủ đạo, phát triển theo hướng cao cấp, chuyên biệt.
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững phát huy giá trị di sản địa chất ở khu vực thành lập Công viên địa chất Phú Yên địa phương này phải xem phát triển du lịch có vai trò quan trọng trong việc phát huy di sản, phát triển Công viên địa chất. Tỉnh cần tận dụng lợi thế đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch biển, sinh thái ở cao nguyên, đồng bằng, ven biển, đảo, phát triển rừng, cây trồng lương thực phù hợp, đảm bảo môi trường, phát triển bền vững khu vực dự kiến thành lập Công viên địa chất. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, đội ngũ quản lý về giá trị của Công viên địa chất.
Công viên địa chất là mô hình bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế-xã hội bền vững; đã phát huy được những ưu thế về các giá trị tự nhiên và xã hội, được UNESCO công nhận và được các quốc gia hưởng ứng, tích cực triển khai. Công viên địa chất chứa đựng một tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, thẩm mỹ và kinh tế; đồng thời là nơi hội tụ được các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội... Tất cả các giá trị đó cùng được nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn và khai thác, sử dụng một cách bền vững.
Hiện nay, tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 Công viên Địa chất toàn cầu đó là: Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên Địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng và Công viên Địa chất Toàn cầu Đắk Nông. Những công viên địa chất toàn cầu nói trên tại Việt Nam đang ngày càng phát huy giá trị tự nhiên và cả giá trị xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa chất trong tương lai - loại hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
Bích Hà
Bình luận