Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ bảy, 09/03/2024 07:03
TMO - Chuyển đổi số được xem là mục tiêu, giải pháp để tỉnh Phú Thọ tạo dựng môi trường nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.
Cùng với sự phát triển của nông nghiệp số trên cả nước, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đang có những thay đổi, bắt kịp xu thế nhằm tạo dựng môi trường nông nghiệp số trên địa bàn. Nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai, trong đó tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, hướng tới chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững tuần hoàn, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 gắn với cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Để thực hiện được những mục tiêu trên, toàn tỉnh Phú Thọ nói chung và các tầng lớp nhân dân nói riêng đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như trang trại canh tác dưa chuột tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê - Phú Thọ, với diện tích hơn 1.000m2, trang trại này đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Mọi công đoạn chăm sóc cây dưa tại trang trại này đã được cơ giới hoá, giảm sức người lao động. Thay vì tưới thủ công, trang trại đã đầu tư hệ thống nhà lưới cắt nắng, tưới phun mưa, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí. Trang trại còn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm để xây dựng thương hiệu riêng của mình, đồng thời chiếm được lòng tin của khách hàng về nguồn gốc, độ an toàn trong mỗi sản phẩm.
Sản xuất ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế cho nông dân tỉnh Phú Thọ.
Chuyển đổi số mang lại rất nhiều thuận lợi cho bà con nông dân có sản phẩm nông nghiệp thuộc tỉnh Phú Thọ. Việc áp dụng các hình thức buôn bán, tiêu thụ qua thương mại điện tử hiện đã được người dân chú trọng thay cho việc mua bán truyền thống.
Như mô hình sản xuất của Hợp tác xã (HTX) chè thuộc xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng được chú trọng. HTX còn đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử cho toàn bộ sản phẩm chè. Cùng với đó tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ ba sao trở lên đều được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart.vn;...) và trang thông tin điện tử nongsan.phutho.gov.vn, các trang mạng xã hội của cá nhân, đơn vị, tổ chức…Hiện HTX còn có có trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có Fanpage trên mạng xã hội Facebook. Nhờ đó, không chỉ khách hàng trong tỉnh mà ở các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh… cũng có thể đặt mua hàng, tiến tới mở rộng thị trường khách hàng tiềm năng sử dụng sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, trong năm 2023 tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ đạt 3,54% (vượt kế hoạch đề ra), chiếm tỷ trọng trên 19% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế, đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng chung và ổn định chính trị, xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phương thức sản xuất có sự chuyển biến tích cực thông qua vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất; cơ cấu giống lúa chất lượng cao, sản xuất an toàn tiếp tục được mở rộng; chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện....Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh thực hiện, toàn tỉnh hiện có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, phát huy được lợi thế các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của toàn tỉnh.
Năm 2024, tỉnh Phú Thọ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 3%; toàn tỉnh có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Phù Ninh đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%...
Ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy chuyển đối số để phát triển kinh tế nông nghiệp là nhu cầu tất yếu không chỉ ở Phú Thọ mà còn trên cả nước. Để thích ứng với chuyển đổi số đòi hỏi người nông dân cần phải chủ động học hỏi tìm tòi, các cấp chính quyền có thêm sự quan tâm trong việc mở lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nhân dân. Từ đó hướng tới phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ổn định bền vững.
Hải Hà
Bình luận