Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ năm, 27/07/2023 07:07
TMO - Để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư sản xuất thủy sản theo hướng xanh, sạch, an toàn sinh học thân thiện với môi trường.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ngành hủy sản của tỉnh Lào Cai những năm gần đây đã có bước phát triển khá tốt. Nghề nuôi cá nước lạnh, nuôi thâm canh và thâm canh cao các loài thủy sản truyền thống, loài có giá trị kinh tế cao được người dân quan tâm đầu tư nên năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất ngày càng tăng.
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới, có điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản, với trên 18.000ha mặt nước trong đó có khoảng 2.200 ao, hồ nhỏ, 75.000m3 thể tích nuôi cá nước lạnh, 1.100ha hồ chứa và hàng trăm ha ruộng canh tác hiệu quả thấp có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Trong giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu đặt ra của tỉnh là diện tích nuôi ao hồ nhỏ đạt 2.400 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 76.000 m3, thể tích nuôi cá lồng đạt 17.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản đạt 13.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 12.550 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 950 tấn). Tỷ lệ giống có giá trị kinh tế cao, giống bản địa chiếm 70% cơ cấu giống nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 10% sản lượng thủy sản.
Giai đoạn 2026 - 2030 nâng diện tích nuôi ao hồ nhỏ đạt 2.650 ha, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 95.000 m3, thể tích nuôi cá lồng đạt 18.000 m3. Tổng sản lượng thủy sản đạt 16.500 tấn (sản lượng thủy sản truyền thống và các loài có giá trị kinh tế cao đạt 15.150 tấn, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.350 tấn). Giống có giá trị kinh tế cao, giống bản địa chiếm 75% cơ cấu giống nuôi. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định cho trên 20% sản lượng thủy sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang đối diện với một số thách thức về môi trường, dịch bệnh, nguồn nước ngày càng suy giảm về số lượng, chất lượng, ảnh hưởng của nước thải sinh hoạt, công nghiệp dẫn đến thủy sản thường xuyên đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh. Công tác quản lý nguồn nước vẫn còn những tồn tại, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư sản xuất thủy sản theo hướng xanh, sạch, an toàn sinh học thân thiện với môi trường.
Để phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo: UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản chấp hành các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư sản xuất thủy sản theo hướng xanh, sạch, an toàn sinh học thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi thương phẩm cá tầm thực hiện nghiêm theo quy định tại Điều 40, Luật Thủy sản 2017 về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo loài thủy sản thuộc Phụ lục của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm…
Các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chất thải từ các hoạt động thủy sản tại địa phương; xây dựng các mô hình kiểm soát chất thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản; mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy sản tại địa phương; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản tại địa bàn. Căn cứ điều kiện thực tế, lồng ghép các nội dung về phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong hoạt động thủy sản vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ về phòng, chống ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản với các kế hoạch, dự án và các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan. Hằng năm chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các sở, ngành liên quan để thông báo, cảnh báo, khuyến cáo cho các địa phương và người nuôi về chất lượng nước, biện pháp xử lý nhằm phát triển ngành thủy sản bền vững, hiệu quả. Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở nuôi trồng thủy sản thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường; phân tích, xét nghiệm các nguồn nước theo chức năng, nhiệm vụ để khuyến cáo, thông báo cho các địa phương làm căn cứ nuôi, trồng thủy sản. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai có hiệu quả các biện pháp để ngăn ngừa, kiểm soát và phòng trừ các loài thủy sản ngoại lai xâm hại; loài có nguy cơ xâm hại tại các thủy vực tự nhiên.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường chính sách hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong hoạt động thủy sản nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và thân thiện với môi trường. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan triển khai các giải pháp, đề tài về đánh giá sự phù hợp, áp dụng truy xuất nguồn gốc. Tăng cường hỗ trợ bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải pháp công nghệ trong nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường.
Sở TN&MT tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản năm 2023.
Để đạt được mục tiêu các mục tiêu trong kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Lào Cai nhận định, nếu công tác quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản nếu được thường xuyên sẽ giúp thông tin, dự báo kịp thời diễn biến môi trường, dịch bệnh vùng nuôi, mùa vụ nuôi từ đó giúp người dân chủ động trong công tác quản lý nguồn nước, phòng tránh dịch bệnh hiệu quả.
Trong năm 2023, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh quan trắc, cảnh báo môi trường phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đánh giá hiện trạng môi trường thông qua hệ thống quan trắc, kiểm soát mức độ ô nhiễm tại các vùng nuôi để kịp thời khuyến cáo với người dân; Đảm bảo vùng nuôi các đối tượng chủ lực như (cá hồi, cá tầm), đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá trắm, cá chép, cá rô phi đơn tính), nuôi lồng bè được quan trắc và cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường.
Ngành chức năng tỉnh thực hiện quan trắc tại vùng nuôi thủy sản nước lạnh (cá hồi, cá tầm) với 2 điểm tại phường Ô Quy Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. Bên cạnh đó, quan trắc vùng nuôi cá truyền thống, loài có giá trị kinh tế cao tại 4 điểm nuôi: Huyện Bảo Thắng quan trắc vùng nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ 2 điểm tại xã Phú Nhuận và thị xã Phong Hải; huyện Bát Xát quan trắc vùng nuôi thủy sản trong ao hồ nhỏ tại 1 điểm ở xã Quang Kim; huyện Bắc Hà quan trắc vùng nuôi thủy sản trong lồng bè trên hồ thủy điện tại 1 điểm thuộc xã Cốc Ly. Kết quả quan trắc giúp người nuôi nắm được hiện trạng môi trường để có biện pháp quản lý chất lượng nguồn nước phù hợp bảo vệ môi trường, thúc đẩy đầu tư thâm canh sản xuất hàng hóa...
Hoàng Hà
Bình luận