Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 23/05/2024 14:05
TMO - Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải đảm bảo xử lý 100% lượng chất thải rắn phát sinh trong phạm vi phục vụ của mỗi cơ sở. Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo xử lý tập trung, liên đô thị, liên vùng, hạn chế xử lý phân tán, gây ô nhiễm môi trường.
Trước sự gia tăng của chất thải rắn trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030, đảm bảo 95% lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, 90% lượng chất thải rắn tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; 100% lượng chất thải y tế được thu gom và xử lý. Đến năm 2050, đảm bảo 100% lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, 100% lượng chất thải rắn tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh; 100% lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại được thu gom và xử lý, 100% chất thải công nghiệp không nguy hại được thu gom và xử lý và 100% lượng chất thải y tế được thu gom và xử lý.
Theo dự báo của ngành chức năng, đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh phát sinh 929,863 tấn chất thải rắn sinh hoạt (CTHSH)/ngày đêm, đến năm 2030 con số này lên đến 1.047,092 tấn/ngày đêm. Dự báo đến năm 2030, tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp tại khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 79.44,10tấn/năm; chất thải nguy hại (CTNH) khoảng 1.097.248,39 tấn/năm. Tổng chất thải rắn (CTR) công nghiệp thông thường từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp ước tính khoảng 56.991,50 tấn/năm; Tổng CTR công nghiệp nguy hại từ các cơ sở sản xuất công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp ước tính khoảng 24.018,59 tấn/năm. Dự báo đến năm 2030 thì khối lượng chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 971,21 tấn/năm.
Trước dự báo về sự gia tăng của chất thải rắn trên địa bàn, tỉnh Quảng Ngãi triển khai quy hoạch các khu liên hợp xử lý chất thải bao gồm: Khu liên hợp xử lý chất thải EME Dung Quất; Khu xử lý chất thải rắn tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đồng Lụa; Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt Lý Sơn; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Phổ Nhơn thị xã Đức Phổ. Cùng với các bãi chôn lấp chất thải bao gồm: - Bãi chôn lấp CTR Đồng Nà, TP. Quảng Ngãi Bãi chôn lấp CTR Long Mai, huyện Minh Long Bãi chôn lấp CTR Cà Đáo, huyện Sơn Hà Bãi chôn lấp CTR Sơn Mùa, huyện Sơn Tây Khu xử lý CTR Trà Tân, huyện Trà Bồng Bãi chôn lấp CTR Ba Thành, huyện Ba Tơ.
Tỉnh Quảng Ngãi quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải đảm bảo xử lý 100% lượng chất thải rắn phát sinh trong phạm vi phục vụ của mỗi cơ sở.
Trong đó, Khu xử lý chất thải rắn tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định là khu xử lý chất thải rắn trọng điểm của tỉnh về lâu dài Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ được mở rộng thêm sau năm 2022 là 109 ha, nâng tổng quy mô lên 137 ha, bao gồm khu xử lý hiện hữu 28ha. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghĩa Kỳ sẽ phát triển thành một khu liên hợp nhiều nhà máy với công nghệ hiện đại. Trong đó, kết hợp chôn lấp, xử lý, tái chế chất thải rắn tái tạo năng lượng và các loại hình phụ trợ khác có liên quan đến chất thải rắn, đảm bảo phục vụ nhu cầu chôn lấp và xử lý đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Phạm vi phục vụ: TP.Quảng Ngãi và các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức và các chất thải rắn y tế nguy hại của tỉnh Quảng Ngãi. Là khu vực xử lý các loại CTR, bao gồm: Xử lý CTR thông thường (sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, bùn thải thoát nước và phân bùn bể tự hoại) và xử lý CTR nguy hại (công nghiệp, nông nghiệp và y tế) cho thành phố Quảng Ngãi (kể cả Khu công nghiệp Quảng Phú) và các huyện: Sơn Tịnh (kể cả Khu công nghiệp Tịnh Phong và Khu công nghiệp VSIP), Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành.
Tại Khu liên hợp xử lý chất thải EME Dung Quất , được xây dựng tại thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn với diện tích 19,28 ha, phạm vi xử lý chất thải rắn cho Khu kinh tế Dung Quất huyện Bình Sơn và các khu vực lân cận, công nghệ xử lý, gồm: Công nghệ làm phân Compost, công ngệ đốt, tái chế và chôn lấp.
Đối với Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đồng Lụa quy hoạch mới 01 nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và sinh hoạt áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Phạm vi phục vụ trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận. Diện tích quy hoạch khoảng 35ha (dự trữ mở rộng 70ha), vị trí nằm tại xã Tịnh Phong huyện Sơn Tịnh và xã Bình Thanh huyện Bình Sơn, khu vực phía Bắc núi Đồng Lụa.
Với khối lượng phát sinh CTR từ công nghiệp và sinh hoạt khá lớn như dự báo, nếu không được xử lý hợp vệ sinh sẽ là nguồn gây ô nhiễm lớn, đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và nước mặt trên địa bàn tỉnh. Do đó việc hình thành khu liên hợp xử lý chất thải rắn mới là hết sức cần thiết, đảm bảo việc thu gom hiệu quả và xử lý CTR công nghiệp và xây dựng. Áp dụng các công nghệ tiên tiến vào công tác xử lý, làm phân Compost, công ngệ đốt, tái chế chất thải rắn và chôn lấp.
Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt huyện Lý Sơn được xây dựng trên địa phận 2 xã An Hải và An Vĩnh, huyện Lý Sơn với diện tích là 2,7ha, công suất thiết kế 50 tấn rác/ ngày; Khối lượng tiếp nhận thực tế 24 tấn rác/ ngày. Công nghệ xử lý gồm: Công nghệ đốt, làm phân Compost. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Phổ Nhơn thị xã Đức Phổ có diện tích quy hoạch 17,95 ha. Có 0,8 ha quy hoạch hố chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại áp dụng đầy đủ công nghệ xử lý chất thải rắn, chế biến phân hữu cơ, đốt chất thải rắn, chôn lấp hợp vệ sinh, tái chế chất thải rắn và đốt chất thải sinh hoạt.
UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh: Quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo xử lý 100% lượng chất thải rắn phát sinh trong phạm vi phục vụ của mỗi cơ sở. Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo xử lý tập trung, liên đô thị, liên vùng, hạn chế xử lý phân tán, gây ô nhiễm môi trường.
Khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo thuận tiện giao thông, không gây cản trở các hoạt động giao thông chung, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường và cảnh quan xung quanh. Xử lý chất thải bằng các công nghệ tiên tiến như đốt thu nhiệt phục vụ sản xuất điện năng. Tiếp cận phương thức quản lý CTR của các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, đồng thời phù hợp với điều kiện Việt Nam và địa phương. Áp dụng công nghệ xử lý hiện đại phù hợp với điều kiện kinh tế, giảm tối đa lượng CTR phải chôn lấp, giảm chi phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và tăng hiệu quả sử dụng đất.
Công tác thu gom chất thải tại các địa phương cần tiếp tục đầu tư đồng bộ phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi quy định chi tiết phương thức thu gom, tuyến đường vận chuyển chất thải. CTR được phân loại tại nguồn, thu gom trên phạm vi địa bàn từng huyện. Mục tiêu: Giảm lượng thải - Tăng tái chế - Tái sử dụng CTR. Chỉ chôn lấp CTR không thể tái chế, giảm nhu cầu đất dành cho xử lý CTR. Trang bị đồng bộ phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển, xử lý CTR sau phân loại.
Trong thành phố, KCN thành lập các điểm trao đổi thông tin về CTR có thể tái chế, tái sử dụng để các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi CTR, tạo thuận lợi cho nhu cầu tái chế, tái sử dụng. CTR hữu cơ vận chuyển đến khu sản xuất phân hữu cơ. Sản phẩm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp, giảm sử dụng phân hoá học. CTR vô cơ có thể tái chế: vận chuyển đến khu tái chế CTR tập trung. CTR công nghiệp: Các khu công nghiệp tận thu, tái sử dụng CTR công nghiệp không nguy hại, xử lý chung cùng CTR sinh hoạt CTR vô cơ, CTR nguy hại (của sinh hoạt, y tế và công nghiệp) phải được xử lý riêng tại khu xử lý CTR nguy hại.
Đầu tư các trạm trung chuyển chất thải rắn trong các đô thị, KCN để thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn. Phân vùng thu gom: Thu gom rác thải từ các địa phương có khối lượng phát sinh chất thải rắn lớn (thành phố Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư nghĩa, Nghĩa hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, Lý Sơn) để xử lý tập trung tại các khu liện hợp xử lý chất thải rắn với nhiều nhà máy xử lý có đủ công nghệ tiên tiến, hạn chế việc chôn lấp chất thải rắn. Các vùng sâu, vùng xa có khối lượng phát sinh rác thải nhỏ, địa bàn đồi núi phức tạp, khó khăn thì phân loại rác để chôn lấp hợp vệ sinh tại địa phương kết hợp đốt, sản xuất phân hữu cơ.
Thu Hòa
Bình luận