Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ sáu, 06/10/2023 08:10
TMO - Cùng với các địa phương khác trên cả nước, tỉnh Bình Phước ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu khoa học để tăng năng suất, thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng ở mức 40% trở lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững, góp phần quan trọng tăng trưởng, thúc đẩy cơ cấu lại ngành. Những đóng góp của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới.
Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới. Khoa học công nghệ đã góp phần cải tạo cơ cấu giống, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; cơ giới hóa nông nghiệp, cải thiện năng suất lao động, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số… góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngành.
Bình Phước lên kế hoạch thực hiện "Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; đóng góp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức 40% trở lên. Đồng thời nhân rộng quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương trở lên đạt 40% trở lên.
Tỉnh Bình Phước huy động ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Ảnh: BL.
Theo đó, tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống cây trồng, vật nuôi, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào sản xuất đạt trên 90% vào năm 2025 và hơn 95% trở lên vào năm 2030. Địa phương này sẽ huy động ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức khoa học, công nghệ công lập đủ điều kiện triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, tiếp nhận, trình diễn và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất. Cùng với đó chương trình sẽ chú trọng nâng cao công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có tâm huyết, chuyên môn hóa cao trên các lĩnh vực trọng tâm của ngành.
Bình Phước sẽ phối hợp với các trường đại học, viện, trung tâm... nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống lúa mới có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, sử dụng tiết kiệm nước và phân bón, đáp ứng các yêu cầu canh tác giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó phối hợp nghiên cứu, chọn tạo, thu thập, lưu giữ, bảo tồn và khai thác nguồn gen giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa có năng suất, chất lượng cao; tiếp tục cải tiến giống các loại cây trồng chủ lực khác.
Địa phương muc tiêu là một trong những tỉnh tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cây công nghiệp nâng cao hiệu quả nông nghiệp, tạo chuỗi sản xuất lớn. Địa phương sẽ hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp có thương hiệu, tiềm năng và thế mạnh, phấn đấu có nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên địa bàn tỉnh. Theo đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030, tỉnh sẽ có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Đồng Xoài 68 ha với tổng mức đầu tư 264 tỷ đồng, Thanh Lễ 260 ha mức đầu tư 1.402 tỷ đồng, Đồng Phú 496 ha khoảng 259 tỷ đồng, Hải Vương 650 ha khoảng 2.500 tỷ đồng và khu trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao quy mô 300 ha khoảng 179 tỷ đồng.
Thu Hương
Bình luận