Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ hai, 16/01/2023 04:01
TMO - Theo kế hoạch phát triển, ngành du lịch thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh tại Việt Nam... đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Tại Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh bền vững. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến phát triển các nền tảng, ứng dụng phục vụ khách du lịch, cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Hoàn thành Cổng thông tin du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác; tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể liên quan du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch thông minh đồng bộ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Giang, Quảng Trị, An Giang và Kiên Giang.
Định hướng đến năm 2030, phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Mở rộng phát triển du lịch thông minh ở hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm, đóng góp việc hình thành các chuỗi đô thị thông minh trên toàn quốc. Du lịch Việt Nam khai thác hiệu quả các giá trị kinh tế từ phát triển du lịch thông minh và có đóng góp lớn trong tỷ trọng GDP.
Việc phát triển hệ thống dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch được đánh giá là nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên. Cụ thể, ngành du lịch thành phố tiếp tục mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch đảm bảo đồng bộ, kết nối và liên thông từ trung ương đến các địa phương; chuẩn hóa dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng quản lý. Phát triển dữ liệu số phục vụ cho các hoạt động du lịch trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) phục vụ công tác quản lý ngành và nhu cầu tra cứu của người dùng, nâng cao khả năng tương tác trên môi trường số giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương; giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch, khách du lịch và người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển các dịch vụ, ứng dụng với các phân hệ chức năng cụ thể nhằm mục đích khai thác các thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch đáp ứng mục đích của nhiều chủ thể sử dụng trong hệ sinh thái du lịch thông minh. Với các nhóm ứng dụng như: Ứng dụng hỗ trợ khách du lịch với nhiệm vụ nâng cấp phát triển Cổng thông tin du lịch Việt Nam, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, sinh động về các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; tích hợp các ứng dụng hỗ trợ xây dựng chương trình du lịch, đặt và thanh toán dịch vụ du lịch trực tuyến; tư vấn thông tin chỉ dẫn cho du khách, tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.
Ngành du lịch thành phố tăng cường ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển các dịch vụ, ứng dụng du lịch
Xây dựng, phát triển các nền tảng số, các ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ khách du lịch chuẩn bị trước chuyến đi, trong chuyến đi và sau chuyến đi nhằm nâng cao chất lượng thông tin và trải nghiệm của khách du lịch, tạo thuận lợi cho hành trình du lịch. Phát triển ứng dụng tích hợp trên nền bản đồ số hỗ trợ khách du lịch với tính năng có khả năng theo sát hành trình, cảnh báo an toàn, tiếp nhận phản hồi, chủ động cung cấp thông tin du lịch phù hợp chỉ dẫn cho khách như thông tin về địa danh, đi lại, ẩm thực, lưu trú, mua sắm, nhật ký du lịch, mua vé,...
Phát triển các ứng dụng thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh bằng nhiều ngôn ngữ phục vụ các khách du lịch nội địa và quốc tế; Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (bigdata) phát triển các nền tảng số tạo môi trường tích hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong quá trình trải nghiệm du lịch Việt Nam, hỗ trợ làm giàu thông tin số về du lịch và khách du lịch. Đồng thời tạo công cụ hỗ trợ phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu thu thập được từ khách du lịch, qua đó hình thành công cụ quản lý quan hệ khách hàng phục vụ các chương trình, hệ thống khác.
Nhóm ứng dụng hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch thông qua áp dụng công nghệ mới xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng trên thiết bị di động (mobile), công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics), trí tuệ nhân tạo (AI),… để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Xây dựng hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam liên thông tới hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để kết nối tới các hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia, các cơ sở dữ liệu của các Bộ, Ngành liên quan để phục vụ cho phát triển nền tảng, ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng như đảm bảo về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Ứng dụng công nghệ AI, phân tích dữ liệu lớn,… để xây dựng ứng dụng thu nhận dữ liệu, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, nghiên cứu thị trường, phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, lập quy hoạch, ra quyết định chuyên môn nghiệp vụ...
Nhóm ứng dụng hỗ trợ, quản lý điểm đến thông minh với việc khuyến khích các điểm đến du lịch đặc biệt với các điểm đến là các khu du lịch, điểm du lịch thu hút nhiều khách du lịch, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản đồng bộ, đầu tư các thiết bị thông minh để phục vụ khách du lịch; tăng cường chuyển đổi, sử dụng các hệ thống thanh toán điện tử. Đầu tư xây dựng, sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ 3D, AR, VR,… phù hợp với điều kiện của điểm đến nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá điểm đến, tăng tính hấp dẫn cho điểm đến.
Nhóm ứng dụng hỗ trợ, quản lý doanh nghiệp thông minh, Phát triển các hệ thống, nền tảng, ứng dụng dùng chung trong lĩnh vực du lịch tích hợp thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp kết nối, cung cấp thông tin, quảng bá và bán sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời cho phép doanh nghiệp tiếp cận được dữ liệu phục vụ marketing số. Xây dựng, phát triển các ứng dụng kết nối doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch; ứng dụng hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch trong quá trình hành nghề (thuyết minh du lịch tự động bằng các ngôn ngữ khác nhau); ứng dụng hỗ trợ, trao đổi thông tin việc làm giữa doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên và các tổ chức, cá nhân liên quan...
Cùng với các nhiệm vụ trên, thời gian tới ngành du lịch thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hoạt động du lịch về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, về vai trò và lợi ích của phát triển du lịch thông minh. Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, khai thác dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch thông qua các hội nghị, hội thảo.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về công nghệ, du lịch thông minh, thông báo rộng rãi đến người dân, khách du lịch các hệ thống, nền tảng, ứng dụng chính thống, uy tín; thường xuyên thông tin, cảnh báo sâu rộng các nguy cơ, tình huống dễ bị lừa đảo, lợi dụng tới người dân và khách du lịch để giảm thiểu các hoạt động phạm tội, các trường hợp gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân và khách du lịch.
Hoài Thu
Bình luận