Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 00:11
Thứ ba, 24/01/2023 06:01
TMO - Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn dựa trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn. Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn để xây dựng, phát triển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về lĩnh vực du lịch có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững. Phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao của Quảng Nam đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch.
Trong đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi huyện, thị xã, thành phố có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn xây dựng ít nhất từ 01 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, xây dựng 02 - 03 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - Hợp tác xã - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp.
Tỉnh Quảng Nam đang khai thác các lợi thế, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: BLĐ
Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch; mỗi điểm du lịch có ít nhất 01 nhân viên giao tiếp tốt với khách du lịch nước ngoài. Xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật vào bản đồ số tỉnh Quảng Nam.
Nhằm triển khai hiệu quả mục tiêu trên, tỉnh xây dựng và triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách của tỉnh có liên quan hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tích hợp bổ sung trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch nông thôn; thúc đẩy liên kết nông thôn - đô thị trong phát triển du lịch, ưu tiên phát triển du lịch nông thôn ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch. Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không phát thải.
Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới thông qua đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho lãnh đạo, cán bộ cấp ủy, chính quyền; tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; người dân, cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề…; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, đầu tư phát triển điểm du lịch, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới với việc thiết kế cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường.
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa của từng địa phương trong tỉnh.
Bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng quê, làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, các lễ hội, loại hình biểu diễn văn nghệ, thể thao; phát triển các nghệ nhân; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống… để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế; bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hoá, lịch sử, cách mạng.
Địa phương này bảo tồn phục dựng và phát triển các làng quê, làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, các lễ hội tạo điều kiện đưa du lịch phát triển. Ảnh: TC
Rà soát, lựa chọn và tổ chức hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”; liên kết và lồng ghép các địa điểm xây dựng sản phẩm OCOP với quy hoạch chung của địa phương, phù hợp với quy định quản lý, sử dụng đất đai; hướng dẫn và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng trong nội bộ các điểm được xác định xây dựng OCOP du lịch. Định hướng cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm và trình độ chuyên nghiệp theo tiêu chí OCOP; hỗ trợ tư vấn về nhãn hiệu, mẫu mã… các sản phẩm OCOP phù hợp làm quà tặng du lịch Quảng Nam; kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP Quảng Nam đến du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng qua rà soát đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của các hộ, cộng đồng kinh doanh du lịch nông thôn và các làng bản du lịch cộng đồng. Tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, ngoại ngữ, văn hóa giao tiếp ứng xử, phục vụ khách, vận hành cơ sở lưu trú… cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.
Đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề… trên các kênh truyền thông quốc tế, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch như: sách hướng dẫn, sách ảnh, biển chỉ dẫn du lịch; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới.
Lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số…) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội.
Đồng thời, tăng cường chia sẻ, trao đổi thông tin và phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực liên quan nhằm triển khai hoạt động phát triển du lịch nông thôn đồng bộ và hiệu quả; chia sẻ, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố khác, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch nông thôn (đặc biệt du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch có trách nhiệm, quản lý và thích ứng rủi ro…). Huy động sự hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực triển khai của các tổ chức trong nước và quốc tế cho các dự án, chương trình du lịch nông thôn gắn với cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông thôn.
Hà Thu
Bình luận