Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ bảy, 03/06/2023 07:06
TMO - Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh đô thị hóa và chuyển đổi số một cách mạnh mẽ như hiện nay là một trong những giải pháp giúp sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong những năm qua, quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành quả tích cực. Hệ thống đô thị quốc gia đã phát triển mạnh và được phân bổ tương đối hợp lý, diện mạo đô thị ngày một thay đổi hiện đại hơn, chất lượng hơn, đời sống của cộng đồng dân cư đô thị cũng ngày một nâng cấp.
Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước, tính đến tháng 9/2022, cả nước có 888 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 41,5%. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tại các đô thị cũng dần xuất hiện những hạn chế, những bất cập, đặc biệt là sự phát triển còn thiếu tính bền vững; công tác quy hoạch đô thị còn thiếu đồng bộ, thiếu tích hợp; công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, chưa có tầm nhìn dài hạn, chưa gắn quy hoạch với nguồn lực thực hiện, phải điều chỉnh thường xuyên; thiếu vắng sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, một trong những vấn đề của Việt Nam là tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế. Hầu hết các địa phương khi triển khai đề án về đô thị thông minh vẫn còn thiếu tính đặc thù của từng địa phương, và việc giữ gìn, phát huy bản sắc của từng địa phương cũng là câu hỏi đặt ra cho các cấp chính quyền. Phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương.
Phát triển đô thị thông minh cũng nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để giải quyết những hạn chế này, xây dựng, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội, thành quả của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phù hợp với xu hướng quốc tế và hướng tới phát triển bền vững. Công nghệ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh, giải quyết nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống thiên tai, đại dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các địa phương, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Đô thị thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp. Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Ngày 24/01/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Gần đây nhất, ngày 11/11/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP - Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu ở Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu đặt ra của Nghị quyết. Tại Nghị quyết 06 mới ban hành, Bộ Chính trị một lần nữa khẳng định quyết tâm phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.
Đến hết năm 2022, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.
Phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số quốc gia được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ triển khai theo hướng chuyển đổ số một cách toàn diện với sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ với các lĩnh vực phát triển của đô thị. Bên cạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị nhằm từng bước chuẩn hóa các quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian thực hiện, đặc biệt trong các quy trình, thủ tục của công tác lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, dự án đầu tư phát triển đô thị và nhà ở, xây dựng công trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác quản lý vận hành; Cần phải nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong xây dựng các giải pháp, mô hình kết nối cho thành phố thông minh, giải quyết các tính năng chính của một thành phố thông minh như mức độ tích hợp công nghệ thông tin và có thể ứng dụng toàn diện các nguồn thông tin.
Ngoài ra, cần ứng dụng khoa học, công nghệ vào các thành phần thiết yếu trong phát triển thành phố thông minh như công nghệ thông minh, công nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh, quản lý thông minh và cuộc sống thông minh…nhằm giải quyết một số vấn đề như cung cấp nước hiệu quả hơn, kiểm soát úng ngập và thoát nước, có giải pháp cho vấn nạn ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng của giao thông công cộng, chiếu sáng đô thị, nâng cao độ tin cậy của người dân vào các dịch vụ và hoạt động sống của đô thị… Sử dụng các công nghiệp đô thị thông minh để hỗ trợ phát triển kinh tế và kiểm soát các tác động từ quá trình đô thị hóa đến môi trường, cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội… Hình thành, kết nối dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu và quản lý các hoạt động của đô thị.
PV
Bình luận