Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 10:11
Thứ sáu, 23/06/2023 07:06
TMO - Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Thời gian qua, địa phương này đẩy mạnh phát triển hệ thống đô thị tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống tốt; có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; có kiến trúc đô thị tiên tiến, bản sắc; có vai trò, vị thế quan trọng trong mạng lưới đô thị của vùng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 85%, đến năm 2030 đạt trên 85%. 100% các đô thị có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang; có chương trình, kế hoạch cải tạo chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Đến năm 2025, các đô thị Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bình Dương và thị trấn Dầu Tiếng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các đô thị Thanh Tuyền, Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), Lai Hưng (huyện Bàu Bàng) đạt tiêu chí đô thị loại V.
Đồng thời đến năm 2030, các đô thị Lai Uyên (huyện Bàu Bàng), Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo), Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) được công nhận đạt đô thị loại IV và xã Minh Hoà (huyện Dầu Tiếng) được công nhận đạt đô thị loại V.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đưa ra các chỉ tiêu về phát triển đô thị gắn với xây dựng thành phố thông minh Bình Dương bao gồm: Tỷ lệ lượng thông tin cung cấp công khai cho người dân có cơ chế phản hồi thông tin đạt 70%. Tỷ lệ bến đỗ, nhà ga có cung cấp thông tin giao thông theo thời gian thực đạt 50%. Tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử đạt 50%. 100% các cơ sở y tế cấp tỉnh, cấp huyện cho phép đăng ký khám chữa bệnh thông qua các ứng dụng ICT. 70% các điểm công cộng được lắp đặt hệ thống giám sát an ninh. 100% các sở ngành xây dựng danh mục tài nguyên thông tin và thực hiện chia sẻ.
Tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh trở thành đô thị thông minh, là trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Dịch vụ đô thị thông minh là một trong những trụ cột của thành phố thông minh. Với tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch, mỗi năm Bình Dương chào đón hơn 1,5 triệu khách du lịch nội địa và hơn 40.000 du khách nước ngoài; ngành công nghiệp góp phần tạo trên 35.000 việc làm mới; tỷ suất di cư thuần thống kê trên 200%/năm. Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã số hóa hoàn toàn lên bản đồ hệ thống các địa điểm tiện ích phục vụ cho người dân; các thông tin đều có thể tìm thấy qua ứng dụng "Bình Dương Số" hoặc trang web du lịch Bình Dương (dulich.binhduong.gov.vn).
Thông qua ứng dụng "Bình Dương Số", người dân sẽ kịp thời cập nhật được các thông báo quan trọng, khẩn cấp từ các cơ quan chức năng như thông tin về phòng, chống thiên tai, các thông tin khẩn cấp... để có tình huống ứng phó kịp thời. Ứng dụng còn cung cấp kết quả đo lường chất lượng không khí xung quanh khu vực người dân đang sinh sống và cảnh báo, khuyến nghị kịp thời khi có rủi ro tiềm ẩn về môi trường.
Việc tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng của các thửa đất theo số tờ, số thửa hoặc tọa độ từ dữ liệu của các cơ quan chuyên môn đối với người dân cũng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, tiết kiệm đáng kể về mặt chi phí và thời gian... Bên cạnh đó, thông qua ứng dụng, người dân còn được cung cấp thông tin tuyển dụng trên địa bàn tỉnh, từ đó có thể tra cứu các công việc phù hợp.
Để phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch Bình Dương cho du khách trong và ngoài nước, ứng dụng (App) "Du Lich Binh Duong" cũng đã đi vào hoạt động. Ngoài tính năng tra cứu thông tin về du lịch Bình Dương như: điểm đến, khách sạn, nhà hàng, địa điểm ăn uống, các chương trình vui chơi giải trí, các chương trình khuyến mãi…, ứng dụng còn cung cấp các tính năng đặt dịch vụ (phòng, tour) trực tuyến cho người dùng. Khách du lịch đến Bình Dương có thể tra cứu các vị trí gần các điểm du lịch trên ứng dụng như trạm xe buýt, điểm mua sắm, cây xăng, ATM, chi nhánh ngân hàng, trụ sở UBND, khách sạn…
Với việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong phát triển đô thị thông minh, mới đây Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được Tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới công nhận là Top 7 năm 2023 cùng các thành phố của các quốc gia như Canada, Brazil, Australia…Để phát triển đô thị theo hướng thông minh và đổi mới sáng tạo, Bình Dương cũng đưa ra 6 giải pháp gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển. Xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị. Nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, trật tự đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị. Phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế và đầu tư phát triển đô thị.
Bình Dương đang tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này có tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược và nguyên tắc phát triển bền vững. Bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn. Phân định rõ các vùng trong nội dung quy hoạch đô thị và áp dụng các công cụ kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch; gắn quy hoạch đô thị với nguồn lực thực hiện.
PV
Bình luận