Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 17:11
Thứ sáu, 15/12/2023 07:12
TMO - Phát triển điện khí là hướng đi tất yếu, góp phần cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam nhưng quy mô và hiệu quả còn thấp.
Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng”; đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống".
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết xanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho ngôi nhà chung an toàn của nhân loại.
Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”. Bên cạnh đó, nhu cầu và khả năng thương mại hóa mặt hàng LNG trên thế giới ngày một tăng và phổ biến hơn, tốc độ tăng bình quân khoảng 6%/năm, từ đó cho thấy nguồn cung sẽ tiếp cận dễ dàng và khả thi hơn so với giai đoạn trước.
Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện 150.489MW, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG đối diện với nhiều thách thức. Các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, phát triển điện khí LNG rất cần sự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, cân bằng thị trường, phát triển hạ tầng, hướng tới bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Theo Quy hoạch Điện VIII, tới 2030 cả nước sẽ có 13 dự án điện khí được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí 7 năm tới. Theo các chuyên gia năng lượng thì đây là thách thức vô cùng lớn.
Bởi lẽ, một nhà máy điện khí thời gian chuẩn bị đầu tư, thi công thường kéo dài 6-10 năm. Ngay dự án đã thành hình, như Nhơn Trạch 3 và 4 vẫn đang vướng đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hay dự án điện khí Bạc Liêu được chấp thuận thủ tục đầu tư từ 3 năm trước, đến giờ vẫn chưa thể triển khai thêm. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Việc xây dựng và đưa các nhà máy điện khí hoạt động trong thời gian ngắn, tạo ra lợi nhuận thu hút nhà đầu tư, là rất khó khăn.
Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, phát triển điện khí LNG tại Việt Nam hiện đang thiếu quy hoạch, hạ tầng tối thiểu gồm cảng biển nước sâu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, kho cảng lưu trữ và phân phối. Quy hoạch điện VIII ban hành từ tháng 5, sau 7 tháng kế hoạch thực hiện bản quy hoạch này vẫn chưa được cấp có thẩm quyền ban hành. Mặt khác, một số quy hoạch ngành, địa phương chưa đồng bộ, cập nhật kịp thời, nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Ngoài ra, sự ách tắc trong quy hoạch, thủ tục khiến việc triển khai, đầu tư chậm trễ. Việc đầu tư các kho cảng và nhà máy điện khí cần vốn lớn, hơn 1 tỷ USD cho nhà máy công suất 3.000 MW, nhưng đến năm 2035, Nhà nước sẽ không cấp phép cho dự án điện khí, sẽ tạo rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, giá khí cao, biến động lớn. Để phát triển 24.000 MW điện khí LNG vào 2030, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được 10%. Còn lại, Việt Nam dự tính phải nhập 15 triệu tấn LNG cho sản xuất điện. Do phải nhập khẩu nên giá khí LNG phụ thuộc lớn vào thị trường thế giới. Trường hợp giá khí tăng mạnh do những bất ổn địa chính trị, theo chuyên gia, sẽ khó đảm bảo cho nhà đầu tư bán được điện...
Để phát triển điện khí, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý (nhất là các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính...) làm cơ sở để đầu tư xây dựng kho cảng LNG mới, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại các vị trí chiến lược, đủ khả năng tiếp nhận tàu chở LNG có kích thước lớn. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuỗi dự án khí điện Lô B, Cá Voi Xanh, trong đó đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn I, II, III, IV, Miền Trung I, II và Dung Quất I, II, III,…
Trước mắt cần đẩy nhanh nghiên cứu, đánh giá tính khả thi và triển khai nâng công suất/đầu tư mới các dự án kho cảng LNG để kịp thời đáp ứng nhu cầu nhiên liệu cho phát điện theo Quy hoạch; xây dựng, vận hành và khai thác hạ tầng kỹ thuật quốc gia về điện khí LNG theo mô hình các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub); đẩy nhanh việc tìm kiếm, thăm dò trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí trong nước; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo,...
Phát triển điện khí trong thời gian tới cần bám sát nguyên tắc ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được chứng thực. Ngoài ra, xem xét chuyển đổi một số dự án nguồn điện dự kiến sử dụng nhiên liệu than sang sử dụng LNG; phát triển nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu ở quy mô phù hợp; nâng cao tính tự chủ của ngành điện, bảo đảm các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050.
Bùi Hằng
Bình luận