Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 22/08/2023 07:08
TMO - Muốn phát triển kinh tế dược liệu, việc tận dụng lợi thế về kinh nghiệm sản xuất của người dân, thành viên hợp tác xã (HTX) là điều quan trọng để hình thành các vùng chuyên canh lớn.
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới và được xếp hạng 16 trên thế giới về đa dạng nguồn gen. Trong đó, có rất nhiều nguồn gen được ứng dụng làm thuốc phòng và chữa bệnh. Ước tính có 3.830 loài cây dược liệu dùng làm thuốc, chiếm khoảng 36% trong số 10.500 loài thực vật bậc cao có mạch. So với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam được biết đến chiếm khoảng 11%. Đây là một trong những cơ hội lớn cho các HTX sản xuất dược liệu tại Việt Nam.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta sinh sống tại 51/63 tỉnh thành phố nên có khí hậu khác nhau, có nguồn tri thức bản địa sâu sắc. Họ có kỹ năng sản xuất cây công, nông nghiệp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, phát triển, tạo dựng giá trị thông qua tham gia HTX, từ đó góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát triển kinh tế dược liệu tại các hợp tác xã địa phương góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Theo nghiên cứu, hiện nay 80% dân số trên thế giới quan tâm đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Các doanh nghiệp trong nước cần lượng dược liệu rất lớn để phục vụ chế biến, trung bình mỗi năm 60-80 nghìn tấn. Nhưng trên thực tế, nguồn dược liệu trong nước mới cung cấp được 13.600 tấn/năm và phần thiếu còn lại chủ yếu bù đắp bằng việc nhập khẩu. Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tại Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Thực tế cho thấy tại nhiều địa phương tuy có thế mạnh về dược liệu nhưng chưa xây dựng được vùng dược liệu tập trung đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Điều này là do trong quá trình trồng vẫn xảy ra hiện tượng lẫn giống, thoái hóa giống và còn thiếu quy trình quản lý các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và tính an toàn của dược liệu.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 47 hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh dược liệu. Các hợp tác xã đã năng động, thích ứng nhanh với thị trường, mạnh dạn đầu tư vốn, tích tụ đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu. Mỗi hợp tác xã có diện tích liên kết từ vài chục đến hàng trăm héc ta. Đồng thời, chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Theo các Hợp tác xã, hầu hết các loại cây dược liệu đều dễ trồng, ít sâu bệnh, không yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư vốn ít, giá trị thu nhập cao hơn so với các cây trồng truyền thống, đặc biệt phù hợp với điều kiện canh tác của người dân miền núi. Do vậy, việc phát triển các hợp tác xã dược liệu sẽ giúp người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên nguồn lực để các HTX, nhân dân phát triển dược liệu vẫn còn khiêm tốn. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dược liệu vẫn chưa cao nên chưa thực sự nâng cao năng suất, chất lượng dược liệu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều loài dược liệu có giá trị, phần lớn nguồn gen này nằm ở vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nếu có chiến lược phát triển tốt, tạo ra giá trị, thương hiệu tốt cho dược liệu sẽ tạo ra giá trị kinh tế tốt. Điều này sẽ góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Trong khi đây cũng là khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất cả nước, đang cần tập trung, nỗ lực mọi nguồn lực để phát triển, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Hình thành kinh tế dược liệu tại HTX cũng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm dược liệu thuận lợi.
Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, phát triển nguồn dược liệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều phương thức khác nhau nhưng để bảo đảm được hiệu quả, phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì loại hình HTX là phù hợp hơn cả. Mặc dù, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với nhiều nguồn gen và tri thức bản địa, nhưng vẫn cần nhìn nhận là trong thời điểm hiện nay, việc phát triển các loại dược liệu vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu theo quy mô hộ gia đình trong cùng một làng bản, trong cùng một dòng họ hoặc gói gọn trong phạm vi một dân tộc mà chưa có chất xúc tác, chưa có mô hình nào tạo ra một chuỗi liên kết, tạo ra một vùng rộng lớn, tạo ra giá trị lớn về mặt thương hiệu cho dược liệu, từ đó tạo ra giá trị kinh tế lớn cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về giá trị của dược liệu, về việc bảo tồn, phát triển sản xuất vẫn còn bất cập nên cần tuyên truyền cho người dân, thành viên HTX thì mới thuận lợi trong việc hình thành vùng dược liệu, chuỗi dược liệu bền vững.
Để giải quyết điều này, vai trò của Liên minh HTX các tỉnh sẽ rất quan trọng nhằm hình thành và phát triển các HTX kiểu mới, tạo tiền đề phát triển dược liệu vùng dân tộc thiểu số. Về lâu dài, cần rà soát, điều chỉnh các cơ sở pháp lý để người dân, HTX, doanh nghiệp phát triển dược liệu thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, liên kết…Cần có sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, hiện nguồn lực để phát triển dược liệu còn có hạn, do đó nếu tập trung phát triển lên đến trăm loài cây dược liệu cùng một lúc là quá lớn và khó thực hiện. Chính vì vậy, cần tập trung vào những nhóm cây trồng chính để hạn chế khó khăn, dàn trải. Trong đó, nên tập trung vào 3 nhóm chính là quốc dược (quế cần quan tâm phát triển, nâng cao giá trị của loại dược liệu này), tiếp theo là tịnh dược (trà hoa vàng) và cuối cùng là Cộng đồng dược-tri thức bản địa trong người dân được thực hiện trong chương trình OCOP.
Theo Quyết định 1976 về Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có 8 vùng trồng nguyên liệu trên cả nước để trồng 54 loài dược liệu, lựa chọn và khai thác hợp lý 24 loài dược liệu tự nhiên. Đây sẽ là tiền đề để quy hoạch và phát triển nguồn dược liệu nước ta trong thời gian tới đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Với sự đa dạng về khí hậu và thổ nhưỡng - đất đai, ngay từ cuối những năm của thập kỷ 60 - 80 ở Việt Nam đã hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh. Điều này cho thấy, nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Trong đó khu vực kinh tế tập thể, HTX, Tổ hợp tác, Liên hiệp HTX đóng góp một phần quan trọng trong trồng, bảo tồn, khai thác, chế biến... cây dược liệu trên phạm vi cả nước.
Huyền Trang
Bình luận