Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Thứ năm, 28/09/2023 07:09
TMO - Nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, nông sản là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Trong bối cảnh chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, tăng 11,5 %. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này đã cao hơn tổng kim ngạch của cả năm 2022 là 3,36 tỷ USD.
Trong đó, 8 tháng của năm nay, ngành hàng rau quả xuất siêu trên 2,1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gia vị đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam hiện đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu; đứng số 1 thế giới về xuất khẩu quế, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Ngoài ra, các mặt hàng gia vị khác cũng chiếm vị trí khá quan trọng như: Ớt, đinh hương, gừng, bạch đậu khấu... Các thị trường nhập khẩu gia vị Việt Nam cũng ngày càng đa dạng như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Ngành nông sản hiện có hơn 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ… Đây cũng đồng thời là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong đó EU là thị trường tiềm năng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết.
Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết sản xuất theo chuỗi liên kết, trình độ áp dụng khoa học công nghệ của các doanh nghiệp nông nghiệp còn thấp. Nông sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô do thiếu công nghệ chế biến, bảo quản dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh chưa cao, chưa đảm bảo đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu.
Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn; việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cùng đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành chưa phù hợp, chưa tiếp cận sát với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thiếu chính sách khuyến khích, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp FDI để nâng cao sức mạnh tổng hợp về vốn, công nghệ, trình độ quản lý khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chưa tập trung khuyến khích ứng dụng công nghệ - đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.
Chế biến sâu tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch nông sản trong đó có các mặt hàng rau quả chủ lực. Ảnh: TTX.
Hiện nay tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15-30% (tùy từng ngành hàng). Điều này không những khiến giá trị nông sản không được gia tăng mà còn làm thiệt hại lớn về kinh tế vì hư hại lớn sau thu hoạch, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Cả nước mới có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Còn lại hơn 7.500 cơ sở chế biến nhỏ lẻ của hộ gia đình, hoặc các doanh nghiệp nhỏ mới chỉ làm công tác sơ chế, bảo quản sau quy hoạch. Trong nhiều mặt hàng nông sản, tỷ lệ chế biến, chế biến sâu còn hạn chế, như cà phê chỉ chiếm khoảng 15%, rau quả 10% (còn lại tiêu thụ tươi), điều và tiêu 10-15%. ..
Theo các chuyên gia, công nghệ chế biến chuyên sâu còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu tươi, xuất khẩu thô, nên dù có những mặt hàng có sản lượng xuất khẩu cao nhưng lại thua thiệt so các nước trên thế giới. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ sâu sau thu hoạch là chìa khóa để giảm thiểu chi phí, mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm.
Công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới của các nước cạnh tranh với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia... ngày càng đi vào chiều sâu, đạt trình độ cao với các sản phẩm chế biến đa dạng, ngon, mẫu mã bắt mắt, tiện lợi. Trong khi đó, cơ sở chế biến quy mô công nghiệp với trình độ công nghệ chế biến của nước ta đạt mức trung bình của thế giới.
Để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản, Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa trong sản xuất, chế biến nông sản để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Đồng thời, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.
Đặc biệt, doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp thông minh, quản trị quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản xuất, quy mô hàng hoá. Đẩy mạnh hợp tác với các nhà khoa học, các chuyên gia để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.
Nâng cao trình độ, năng lực để nhanh chóng tiếp nhận, vận hành các công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến. Đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm gia vị, rau quả xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
Thu Hà
Bình luận