Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ năm, 03/02/2022 16:02
TMO - Với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một trọng những yếu tố then chốt giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn.
Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: chuyển đổi số là giải pháp tích cực, có thể khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công sẽ là yếu tố quan trọng giúp chuyển đổi số quốc gia thành công.
Những làn sóng dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển. Năm 2021 lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng.
Không dừng lại ở bài toán tìm đầu ra cho nông sản, trong giai đoạn cao điểm của bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, thương mại điện tử là kênh bán hàng hiệu quả nhất để người dân tiếp cận với một số hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.
Nông sản đồng loạt xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử
Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2021 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Theo một khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực.
Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất thực phẩm-nông nghiệp tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới; triển khai các chương trình đào tạo tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ đó một cách hiệu quả, an toàn và bền vững với mục tiêu đảm bảo cơ hội tiếp cận và tăng tỷ lệ ứng dụng công nghệ vào canh tác thực tiễn.
Chuyển đổi số được coi là giải pháp bền vững tạo đầu ra cho nông sản
Qua những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ số tại nhiều địa phương, có thể nhận định: chuyển số trong nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắnm tuy nhiên vẫn đang gặp nhiều khó khăn do mô hình sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ sản xuất cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp...) chưa tương xứng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định, để vượt qua những khó khăn, thách thức, tăng thu nhập cho nông dân, không có con đường nào khác là công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới chất lượng cao; đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình số hóa trong nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.
Những năm qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước xác định có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ nông dân trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về nông nghiệp như: cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân quyết định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.
Hoài Dương
Bình luận