Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ hai, 29/11/2021 13:11
Đồng Tháp - Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng có hiệu quả công nghệ 4.0 vào sản xuất. Nhờ đó, đã tiết kiệm được sức người và chất lượng nông sản và hiệu quả kinh tế cũng được nâng cao hơn.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương và nông dân ở Đồng Tháp đã áp dụng các máy móc, công nghệ thiết bị tự động mang lại hiệu quả thiết thực như: thiết bị giám sát sâu rầy, thiết bị tưới tự động khi ứng dụng công nghệ IoT,… Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười), được xem là đơn vị điển hình trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, với mô hình “Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến, tiết kiệm nước ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0” có diện tích 66,5ha.
Nông dân sản xuất lúa không còn lo bị sâu, rầy tấn công vì đã được trang bị Trạm giám sát sâu rầy thông minh. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)
Điểm nhấn của mô hình này là, hầu như tất cả các công đoạn đều sử dụng máy móc. Người dân tham gia mô hình được hướng dẫn thực hiện sổ tay ghi chép tình hình sản xuất lúa trên điện thoại thông minh. Đồng thời, làm quen việc ghi nhận được tình hình sinh trưởng của cây lúa và hạch toán được hiệu quả kinh tế.
Cũng tại vùng trồng lúa huyện Tháp Mười, nông dân được mãn nhãn với hoạt động của Trạm giám sát sâu rầy thông minh, đặt tại đồng lúa của nông dân thuộc HTX dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi. Địa phương cũng đang đẩy mạnh sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa cho lúa.
Bên cạnh nông nghiệp, người dân Đồng Tháp cũng ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Cụ thể, người dân đã sử dụng thành công phần mềm báo cáo dịch bệnh trực tuyến VAHIS và phần mềm Quantum GIS trong phân tích, đánh giá tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, xây dựng bản đồ dịch tễ. Lĩnh vực thủy sản, thực hiện chương trình nâng cao chất lượng con giống cá tra, cải thiện di truyền có gắn chip theo dõi. Đến nay, đã chuyển giao 21.610 con cá bố mẹ cho 13 cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, công nghệ 4.0 còn được áp dụng để kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp với các mô hình “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam vườn tôi”, “Ruộng nhà mình”. Những mô hình này, tạo môi trường gắn kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng. HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh), cũng đã thực hiện mô hình ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc xoài và ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 178 HTX nông nghiệp. Tỉnh dự kiến tới cuối năm nay, sẽ thành lập mới 7 HTX nông nghiệp tại các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông, Châu Thành, Thanh Bình, đạt chỉ tiêu 100% kế hoạch đề ra.
Thời gian qua, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong việc liên kết tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp đã giúp cho 22 HTX, 4 tổ hợp tác (THT), 6 hội quán kết nối tiêu thụ hơn 256 tấn nông sản các loại. Để giúp HTX, THT tiêu thụ nông sản thuận lợi trong mùa dịch, ngày 4/8/2021, Liên minh HTX Việt Nam ban hành Chương trình 503/CTr-LMHTXVN về tiêu thụ hàng hóa cho HTX, THT theo chuỗi cung ứng.
Thực hiện chỉ đạo đó, Thường trực Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp đã triển khai tới đơn vị thành viên; thành lập Tổ 503 Đồng Tháp, có nhiệm vụ nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tổng hợp nhu cầu cần tiêu thụ sản phẩm của các HTX, THT trên địa bàn. Bước đầu, Tổ phối hợp với HTX, THT cập nhật đầy đủ thông tin hàng hóa của từng đơn vị lên trang web: Lmhtxvnmart.com.vn thuộc Cổng thông tin Liên minh HTX Việt Nam; Đồng thời, hướng dẫn các bước đăng tải, giao dịch khi có khách hàng.
Sau thời gian vào cuộc mạnh mẽ, Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp, đã góp phần hỗ trợ cho các HTX giải quyết đầu ra ổn định cho nhiều mặt hàng nông sản như: khoai lang tím, bắp, chanh, xoài... cho nông dân.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp đã được người dân và chính quyền tỉnh Đồng Tháp chú trọng. Thời gian tới, để tăng cường việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ chú trọng ứng dụng rộng rãi công nghệ 4.0 để tạo ra sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng tỷ trọng của nông nghiệp trong nền kinh tế của tỉnh.
Hà Anh
Bình luận