Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ năm, 11/04/2024 16:04
TMO - Được gọi là “ân nhân” của các loài động vật hoang dã, các cán bộ thuộc các trung tâm, chương trình cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đã nỗ lực để mang lại cơ hội sống cho nhiều động vật quý hiếm, nguy cấp.
Vườn Quốc gia Cúc Phương được thành lập ngày 07 tháng 07 năm 1962 theo Quyết định số 72-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thuộc địa phận ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa với tổng diện tích là 22.408 ha. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Vườn Quốc gia Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.
Với đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm, Vườn Quốc gia Cúc Phương có quần hệ động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, theo số liệu điều tra gần đây, Vườn Quốc gia Cúc Phương có 2234 loài thực vật bậc cao và rêu, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam. Về động vật, có 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá, gần 2000 loài côn trùng, 135 loài thú (trong đó có loài voọc đen mông trắng là loài thú linh trưởng rất đẹp và quý hiếm được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương). Với 336 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương.
Chị Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương đang tận tình chăm sóc cá thể động vật hoang dã.
Công tác cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã tại đây luôn được đặt biệt chú trọng. Hiện nay, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương đang có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê; Chương trình bảo tồn rùa. Các loài động vật hoang dã được cứu hộ về đây, mỗi loài một tập tính sinh hoạt, thức ăn khác nhau cho nên việc chăm sóc rất kỳ công.
Đối với Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được thành lập từ năm 2005 với nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam. Theo anh Lê Trọng Đạt – Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật cho biết: “ Việc cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật hết sức quan trọng, qua những hành động thiết thực giúp mọi người nâng cao nhận thức hơn về việc bảo tồn đa dạng sinh học”.
Cá thể cầy mực sau khi được cứu hộ khỏi một vườn thú tư nhân ở Hội An, hiện đang được chăm sóc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Chia sẻ về những kỉ niệm đáng nhớ trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã, anh Trần Văn Trường – Cán bộ điều phối cứu hộ Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã cho biết: “Đó chính là kỷ niệm khi anh cùng mọi người tham gia cứu hộ 113 cá thể tê tê tại tỉnh Hoà Bình, đây là vụ cứu hộ lớn nhất cho đến nay và cũng chỉ sau 2 tháng trên 80% cá thể được phục hồi và tái thả thành công”.
Nhờ vào sự hết mình, tận tụy trong công tác bảo vệ động vật hoang dã của những cán bộ, nhân viên tại các trung tâm, chương trình cứu hộ mà trong những năm qua đã có rất nhiều cá thể các loài động vật quý hiếm được cứu hộ, bảo tồn và tái thả về với môi trường tự nhiên.
Cá thể tê tê sau khi được cứu hộ đã được tái thả ra môi trường sống tự nhiên.
Trước thực trạng buôn bán, săn bắn động vật hoang dã đang ngày càng diễn ra phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự sống của các loài động vật hoang dã, gây mất cân bằng sinh thái, tính đa dạng sinh học thì những việc làm của các cán bộ, nhân viên tại các trung tâm, chương trình cứu hộ là rất ý nghĩa và cần thiết, góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống.
Minh Anh
Bình luận