Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ sáu, 22/12/2023 16:12
TMO - Thông qua hệ thống bẫy ảnh, Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã ghi nhận 58 loài động vật quý hiếm, trong đó có 9 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn.
Thông tin từ Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết, bước đầu thông qua 85 điểm đặt bẫy ảnh giám sát đa dạng sinh học tại vườn đã ghi nhận được 58 loài động vật hoang dã, quý hiếm, trong đó có 9 loài đặc hữu của dãy Trường Sơn. Đặc biệt, có một số loài rất quan trọng cho công tác bảo tồn tại khu vực, cần phải có các phương án bảo vệ nghiêm ngặt là mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, cầy vằn Bắc, voi châu Á…
Việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã góp phần bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật nguy cấp, quý hiếm tránh khỏi nguy cơ tuyệt.
Các loài được ghi nhận lần này gồm: Voi châu Á, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, mang Trường Sơn, mang lớn, mang thường, sơn dương, nai, thỏ vằn Trường Sơn, tê tê, cheo cheo Nam Dương, nai, nhím bờm, nhím đuôi dài, cầy vòi hương, chồn móc cua, chồn bạc má, cầy vòi mốc, cầy gấm, chồn họng vàng, triết bụng vàng, triết chỉ lưng, dúi, cầy vằn Bắc, mèo rừng, sóc, lửng lợn, lợn rừng, gà so lưng gụ, gà so họng hung, gà rừng, khướu đất hung, hoét xanh, khướu má hung, chích chòe lửa, đuôi cụt, gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng…
Hai cá thể voi châu Á được bẫy ảnh ghi lại
Loài sơn dương.
Trong đó, có nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong danh mục Sách đỏ IUCN và Sách đỏ Việt Nam. Vườn có sự hiện diện của nhiều loài đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen, gà lôi lam đuôi trắng, rắn lục sừng...
Gà lôi vàng.
Khỉ mặt đỏ.
Loài Khỉ vàng.
Vườn Quốc gia Vũ Quang được thành lập ngày 30.7.2002, nằm trên địa phận hành chính 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn với tổng diện tích được giao quản lý trên 57.000 ha. Vườn được đánh giá là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất Việt Nam, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo tồn. Các nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia Vũ Quang cho thấy, bên cạnh sự góp mặt của 1.829 loài thực vật bậc cao, nơi đây còn có 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 89 loài lưỡng cư bò sát, 88 loài cá xương, 316 loài bướm…
Để bảo tồn, phát huy đa dạng sinh học, nâng cao giá trị của hệ sinh thái Vườn di sản ASEAN. Vườn Quốc gia Vũ Quang đã tiến hành lắp đặt các điểm bẫy ảnh, mỗi điểm gồm 2 máy cảm biến hồng ngoại. Các điểm bẫy ảnh được lắp đặt dựa trên ô lưới bản đồ toàn bộ lâm phận của đơn vị quản lý. Đây chính là đầu mối thông tin giúp đơn vị xác định rõ hơn về đa dạng sinh học của vườn, từ đó phân tích, xử lý, công bố đa dạng sinh học nhằm phục vụ hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ, nghiên cứu và phát triển.
Thỏ vằn Trường Sơn.
Các máy cảm biến sẽ tự động ghi lại hình ảnh, phạm vi di chuyển của các loài động vật hoang dã, từ đó giúp đơn vị xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học để có biện pháp quản lý phù hợp; đồng thời, phân tích, xử lý, công bố đa dạng sinh học nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn động vật hoang dã.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (VQG Vũ Quang), bẫy ảnh từ khi được sử dụng trên thế giới đã thực sự tạo ra một cuộc cách mạng trong nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã. Nó cho phép các nhà khoa học thu thập được những hình ảnh mới lạ về các loài động vật quý hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng với những thao tác đơn giản và chi phí hợp lý mà không làm xáo trộn đời sống của các loài động vật. Hơn nữa, bẫy ảnh còn lưu lại được nhiều hình ảnh đẹp và độc đáo về thiên nhiên hoang dã mà các nhà nhiếp ảnh khó có cơ hội chụp được.
Ông Hùng cho biết thêm: “Bẫy ảnh sẽ tự động ghi lại tất cả các loài thú và chim sống trên mặt đất có trọng lượng lớn từ 500g trở lên khi di chuyển trước cảm biến. Thiết bị này có khả năng giúp giám sát sự phân bố cùng với những tập tính của các loài quý hiếm, cần quan tâm và khó theo dõi thông tin bằng các phương pháp khác". Đây là phương pháp khảo sát không ảnh hưởng lớn đến quần thể thú và chim sống trên mặt đất. Các thông tin thu thập được cũng sẽ là dữ liệu để các Vườn Quốc gia Vũ Quang xác định rõ hơn về tài nguyên đa dạng sinh học tại địa bàn quản lý để có được biện pháp quản lý phù hợp.
Loài Mang Lớn.
Cầy Gấm.
Về kế hoạch bảo tồn lâu dài, Vườn Quốc gia Vũ Quang xây dựng nhiều giải pháp kiểm soát người ra vào khu vực rừng do vườn quản lý, đặt các biển cấm, biển báo tổ chức tuần tra gở bẫy thú, tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ các loài động vật quý hiếm, tránh bị các đối tượng xấu gây hại.
Xuân Bắc
Bình luận