Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Thứ ba, 21/05/2024 08:05
TMO - Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trước những hiệu quả từ công nghệ này, các địa phương đã tiếp tục nhân rộng mô hình này trong sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Hà Nam có tổng diện tích gieo trồng lúa hơn 58.000 ha/năm; sản lượng hơn 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Những năm gần đây, nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào đồng ruộng, qua đó góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề lúa cỏ và tình trạng bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp.
Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam), hiệu quả của việc áp dụng cơ giới vào nông nghiệp cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu chăm sóc hay phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái đã được chứng minh. Cụ thể, diện tích lúa được áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang ngày được mở rộng cả về quy mô và diện tích qua mỗi vụ. Trung tâm khuyến nông cũng đang tích cực triển khai xây dựng mô hình đưa cơ giới hóa đồng bộ vào đồng ruộng.
Theo đó, để phòng trừ đợt sâu, bệnh cao điểm cho lúa xuân dịp trỗ bông (cuối tháng 4, đầu tháng 5), nhiều địa phương thuộc tỉnh Hà Nam đã liên hệ với doanh nghiệp, chủ máy bay không người lái thực hiện phun thuốc BVTV cho diện tích sản xuất lúa của địa phương. Đơn cử như một số hợp tác xã (HTX) tại huyện Thi Sơn, tỉnh Hà Nam cũng sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV cho hàng trăm ha lúa, qua các vụ sản xuất, người dân đã tin tưởng hơn vào hiệu quả của công nghệ này, một số HTX còn tự trích quỹ phát triển sản xuất để hỗ trợ toàn bộ công phun TBVTV bằng thiết bị bay không người lái cho người dân, người dân chỉ phải bỏ tiền mua thuốc trừ sâu.
Cùng với huyện Thi Sơn, nhiều địa phương của huyện Kim Bảng và trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng tiếp tục đẩy mạnh áp dụng phun thuốc BVTV cho lúa bằng thiết bị bay không người lái. Tại huyện Kim Bảng, ngay từ vụ Xuân 2023 đã xây dựng mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh gây hại trên lúa.
Trước hiệu quả từ ứng dụng thiết bị bay không người lái mang lại, tỉnh Hà Nam tiếp tục nhân rộng triển khai trong sản xuất nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ: VP).
Hay tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, trong vụ xuân 2024 được Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích 20 ha, sử dụng máy làm đất, máy cấy, máy bay không người lái để phun phân bón, thuốc BVTV và ngay cả quá trình thu hoạch cũng áp dụng bằng máy. Ngoài ra HTX Nông nghiệp tại xã Phú Phúc đã tổ chức triển khai sử dụng thiết bị bay không người lái để phun phòng trừ sâu bệnh cho toàn bộ gần 200 ha lúa đã được gieo cấy bằng máy của địa phương.
Các mô hình sử dụng thiết bị bay bay không người lái đều đã khẳng định được hiệu quả tích cực. Bởi vì hệ thống cánh quạt giúp thuốc BVTV được bám đều trên cây lúa, hạn chế tối đa thuốc bị rơi xuống ruộng nước, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Trong cùng một thời gian, diện tích lúa được phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái cao gấp nhiều lần so với sức người phun thủ công.
Việc phòng trừ sâu, bệnh trên cánh đồng được thực hiện đồng loạt, không còn tình trạng các hộ phun không cùng thời điểm. Chi phí công phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái thấp, chỉ bằng 50% so với phun thủ công. Việc quản lý thuốc BVTV cũng được tốt hơn do nguồn thuốc, chủng loại sử dụng được kiểm soát qua hợp đồng ký với đơn vị dịch vụ.
Một trong những ưu điểm nữa là trong quá trình sử dụng, đó là toàn bộ vỏ bao bì thuốc BVTV được tập trung thu gom, đưa đi xử lý theo hình thức rác thải nguy hại giúp bảo vệ môi trường đồng ruộng và môi trường tự nhiên…Thời gian qua, việc triển khai cơ giới hóa trong đó có việc nhân rộng mô hình áp dụng thiết bị bay không người lái trên đồng ruộng của tỉnh Hà Nam đã thu được những kết quả tích cực. Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh Hà Nam đã được hỗ trợ tổng số 153 máy cơ giới (gồm có 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy), từ đó tiến tới đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp .
Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 2.000 ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân... Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5-10%, giá trị thu được cao hơn đại trà từ 5-15 triệu đồng/ha.
Việc thực hiện cơ giới hóa là xu thế tất yếu, giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trên đồng ruộng nói riêng. Để nhân rộng việc ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp nói chung và phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái nói riêng, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam cần tích cực tuyên truyền về lợi ích từ thiết bị này mang lại để thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Thiết bị bay không người lái dần đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ sức khoẻ con người, môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Từ đó nông dân sẽ nhận thức được tiềm năng cũng như tầm quan trọng của công nghệ này.
Hải Anh
Bình luận